Nghị quyết Trung ương 4, khóa X của Đảng về chiến lược biển nêu rõ: Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, hiệu quả với tầm nhìn dài hạn”. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đóng góp 53-55% GDP cả nước. Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng đã chỉ rõ: Phải gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Thời gian qua, Phú Yên thực hiện tốt chủ trương này, với việc thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển.
Tàu khai thác cá ngừ đại dương tiếp nhận đá để ướp cá, chuẩn bị ra khơi - Ảnh: N.TRƯỜNG
TỪ LIÊN KẾT TRONG SẢN XUẤT
Phú Yên có lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Với chiều dài bờ biển trên 189km, diện tích vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế trên 34.000km². Diện tích ngư trường khai thác có hiệu quả hơn 6.900km², nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng. Với dân số vùng biển gần 500.000 người, chiếm hơn nửa dân số của tỉnh, là nguồn nhân lực quan trọng để phát triển kinh tế biển.
Nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên được hình thành năm 1994, xuất phát từ ngư dân ở làng biển Phú Câu (phường 6, TP Tuy Hòa) là nơi hình thành và phát triển nghề câu cá ngừ đại dương sớm nhất cả nước. Với đội tàu khoảng 7.200 chiếc, tổng công suất trên 207.000CV, trong đó có 698 tàu khai thác cá ngừ đại dương, được trang bị máy tời thủy lực để thu câu, sản lượng luôn đạt trên dưới 5.500 tấn/năm, chủ yếu cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) đã mang lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân.
Trong quá trình lao động sản xuất trên biển, ngư dân thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro như hỏng hóc tàu thuyền, trang thiết bị, đâm va, bão tố, cướp biển tấn công... Vì vậy, việc tổ chức sản xuất trên biển, nhất là liên kết các tàu với nhau là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại trong sản xuất của ngư dân. Thực hiện Chỉ thị số 33/2004 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 76/2004 của UBND tỉnh về tổ chức phong trào Quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, vùng biển và an ninh trật tự thôn, khu phố ven biển; Kế hoạch số 746/2003 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên về xây dựng tổ tàu thuyền tham gia bảo vệ an ninh trật tự trên biển”, từ năm 2004 các đồn biên phòng phối hợp với Hội Nông dân các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biên giới biển đảo, vận động ngư dân thành lập các tổ, đội sản xuất. Các tổ, đội tàu có 2 - 5 chiếc có thể chia sẻ thông tin ngư trường, vận chuyển sản phẩm về bờ và nguyên, nhiên liệu ra ngư trường, hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn. Các tổ, nhóm hình thành trên tinh thần tự nguyện, theo hai hình thức chính nhóm cùng nghề, hoạt động cùng ngư trường và tổ tàu thuyền gồm các thành viên trong gia đình hoặc cùng nơi cư trú. Đến nay, ngư dân trong tỉnh đã thành lập 105 tổ tàu thuyền an toàn, với 860 phương tiện và hơn 6.000 thuyền viên tham gia, sản lượng đạt 3.500-5.000 tấn/năm, mang lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân.
ĐẾN BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO
Việc khai thác thủy sản xa bờ, trong đó có nghề câu cá ngừ đại dương nằm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Phú Yên. Đây là hoạt động vừa tăng sản lượng khai thác, vừa thể hiện quyền làm chủ ngư trường và lãnh hải của Tổ quốc. Để việc khai thác khơi xa có hiệu quả, 105 tổ tàu thuyền an toàn ngoài khai thác hải sản, hàng năm còn cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị, trong đó có nhiều tin liên quan đến biên giới biển, đảo của tỉnh và chủ quyền an ninh quốc gia. Các tổ đã phối hợp với các đồn biên phòng và trạm thuộc Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh kiểm tra, phát hiện nhiều vụ sử dụng hóa chất độc, phương tiện có tính chất hủy diệt để khai thác hải sản. Thông qua hoạt động của các tổ tàu thuyền an toàn, cơ quan chức năng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về chủ quyền quốc gia và các chính sách của Nhà nước, qua đó xuất hiện nhiều cá nhân, tổ, đội tiêu biểu trong phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển và tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển.
Ngư dân cần hợp tác trong khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương - Ảnh: N.TRƯỜNG
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, như một số tổ đội sản xuất trên biển chưa tổ chức được việc luân phiên đưa sản phẩm vào bờ và nguyên, nhiên liệu ra biển để tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Giữa các tổ, các thành viên trong tổ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc hỗ trợ quản lý thuyền viên nên dẫn đến tình trạng thuyền viên bỏ tàu, thuyền viên ép chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải bỏ ngư trường khi khai thác thời gian dài. Một số tổ đội được thành lập nhưng hoạt động chưa đúng quy ước như đã cam kết, dẫn đến mối liên hệ giữa các thành viên trong tổ chưa thật sự khăng khít, chưa tạo động lực hỗ trợ nhau trong sản xuất; việc quản lý, kiểm soát khai thác hải sản còn hạn chế…
Để hoạt động của các tổ, đội sản xuất trên biển đạt hiệu quả cao, nhất thiết hoạt động của các tổ đội sản xuất phải dựa trên nội quy; phải có tên gọi, được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc phê chuẩn nội quy. Các tổ khai thác ở vùng biển xa phải được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại về thông tin liên lạc, hàng hải và các trang thiết bị phục vụ cho khai thác một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, tiến hành đánh giá, phân loại các tổ, đội khai thác hiện có, trên cơ sở đó kiện toàn các tổ sản xuất cho đạt hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân thấy được lợi ích của việc tổ chức khai thác thủy sản theo tổ, đội kết hợp bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo; tăng cường công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho ngư dân về khai thác, bảo quản sản phẩm sau khai thác; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tổ chức tập huấn cho thuyền trưởng về luật pháp quốc tế và Việt Nam liên quan đến biển, đảo…
NGUYỄN KHẮC TÂN
(PGĐ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh)