So với các huyện miền núi trong tỉnh, bà con các dân tộc thiểu số Sông Hinh biết đến cây mía muộn hơn. Tuy vậy, đến nay cây công nghiệp ngắn ngày này đã bám rễ vững chắc ở đây. Sông Hinh trở thành vùng cung cấp nguyên liệu chủ lực cho nhà máy đường Tuy Hoà.
Bà con xã Sơn Giang (Sông Hinh) mở rộng diện tích trồng mía - Ảnh: N.Trường |
CÂY MÍA LÀM BÀ CON YÊN BỤNG
Gặp nhau tại hội nghị điển hình tiên tiến của Hội làm vườn VAC, Bí thư Đảng uỷ Ea Bá Ma Krăng phấn khởi bảo: “Bây giờ Ea Bá có nhiều cây mía rồi. Nó tốt lắm, bà con ưng lắm! Nhờ Nhà máy đường Tuy Hoà đầu tư đấy! Cả xã đã trồng hơn 33 ha rồi!”. Tôi còn nhớ, tại lễ ra quân vụ ép 2005- 2006 của Công ty cổ phần (CP) Mía đường Tuy Hoà, xã vùng cao Ea Bá thuộc huyện miền núi Sông Hinh được nhắc đến là nơi lần đầu đồng bào dân tộc thiểu số biết trồng mía. Người đưa cây mía đến xã đặc biệt khó khăn này là ông Nguyễn Súng. Đó là vào năm 2003, nhận đầu tư của Công ty Mía đường Tuy Hoà, ông Súng mạnh dạn trồng 10 ha mía trên vùng đất đỏ bazan ở buôn Ken (Ea Bá). Nhờ áp dụng theo quy trình kỹ thuật thâm canh do công ty hướng dẫn nên năng suất mía của ông đạt bình quân 80 tấn/ha. Mặc dù, mía nguyên liệu vụ đó bán với giá 350.000- 400.000 đồng/tấn và đầu tư cho trồng mới với chi phí cao, nhưng ông Súng vẫn thu lãi trên 15 triệu đồng/ha. Bí thư Ma Krăng kể lại: Thấy ông Súng trồng mía có lãi hơn hẳn các cây bắp, cây sắn, cây mè nên bà con dân tộc thiểu số buôn Ken chúng tôi học làm theo. Được nhà máy đường cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và còn ứng trước công chăm sóc nên nhiều bà con yên bụng trồng loại cây mới đó. Vụ rồi, nhà nào trồng mía đều trúng cả, mỗi hecta lãi từ 15- 20 triệu đồng.
Ông Lê Tấn Đàm, phụ trách phòng Nguyên liệu Công ty CP Mía đường Tuy Hòa cho biết: Vụ này, Công ty đã cung ứng cho nông dân trong vùng nguyên liệu 12.069 tấn mía giống, 338 tấn phân hữu cơ vi sinh, 200 tấn phân NPK chuyên dùng cho cây mía. Để trồng mới cho một hecta cần 13,5 triệu đồng thì Công ty đầu tư ứng trước 80% giá trị. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ cước vận chuyển giống, phân bón, làm đất. Đối với diện tích mía lưu gốc có định mức đầu tư 7,7 triệu đồng/ha, công ty cung cấp 3 tấn phân vi sinh, 300 kg NPK và 2 triệu đồng chăm sóc. Với chính sách đầu tư đó, vùng nguyên liệu của Công ty có thêm 1.341 ha mía được trồng mới, trong đó trên địa bàn huyện Sông Hinh trồng 866 ha, chiếm 66%, trở thành vùng nguyên liệu chủ lực của nhà máy. Toàn bộ diện tích được đầu tư, Công ty ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá bảo hiểm 300.000 đồng/tấn loại 9 CCS.
Cho đến năm 1995, khi Nhà máy đường Tuy Hòa ra đời, bà con dân tộc thiểu số Sông Hinh mới biết trồng mía. Tuy nhiên, ngày đó, mía là đối tượng cây trồng mới và có chi phí đầu tư cao nên bà con chưa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Chỉ một số xã phía đông huyện mới trồng loại cây này và từ thời đó đã xuất hiện những “kiện tướng” trồng cả chục hecta mía như ông Cao Má (Sơn Giang). Gần đây, giá mía nguyên liệu tăng lên đáng kể và có sự đầu tư tích cực của Công ty CP Mía đường nên diện tích mía của Sông Hinh phát triển, lan rộng đến các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trưởng phòng Kinh tế Sông Hinh Nguyễn Ngọc Dậu cho biết: Hiện tại, mía là một trong những đối tượng cây trồng chủ lực của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vụ vừa qua, giá mía nguyên liệu ở mức trên 500.000 đồng/tấn, là mức giá cao nhất trước nay nên đã khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với sự đầu tư của Công ty CP Mía đường Tuy Hoà, nhiều diện tích nương rẫy trồng cây ngắn ngày đã được bà con chuyển sang trồng mía. Đến thời điểm này, diện tích mía của huyện đã lên gần 2.000 ha, nhiều nhất từ trước đến nay.
Đáng lưu ý hơn, trong số diện tích mía trồng mới ở Sông Hinh có khoảng 80% diện tích được chuyển đổi từ cây trồng khác. Cũng như Ea Bá, nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có diện tích mía tăng nhanh như Ea Trol có 185 ha, tăng 2,5 lần, Ea Ly có gần 300 ha, gấp 2,6 lần so với vụ trước.
CẦN “TIẾP SỨC” ĐỂ NÂNG CAO NĂNG SUẤT
Là đối tượng cây trồng mới nên hầu hết diện tích mía ở Sông Hinh đều được trồng bằng các giống mới như K 84- 200, ROC 25, ROC 26, R 570… nhưng năng suất mía ở đây còn thấp, như vụ vừa qua chỉ đạt bình quân 36 tấn/ha. Nguyên nhân do hầu hết mía trồng trên đất nương rẫy thiếu nước tưới và bà con chưa có thói quen chăm sóc theo quy trình thâm canh. Vì thế, điều cần thiết hiện nay là công ty cần chú trọng tăng cường đầu tư và chuyển giao kỹ thuật cho người trồng mía, phối hợp với chính quyền địa phương đầu tư hạ tầng kỹ thuật về thuỷ lợi, giao thông nội đồng để phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Bên cạnh đó, Công ty cũng phải thực hiện tốt chính sách tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
NGUYÊN TRƯỜNG