Thứ Sáu, 11/10/2024 06:35 SA
Du lịch miền Trung:
Xây dựng thương hiệu mạnh để phát triển
Chủ Nhật, 25/12/2011 14:00 CH

Tại Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung”, vừa được Tổ điều phối vùng các tỉnh duyên hải miền Trung tổ chức, các đại biểu có chung một nhận định về xu hướng phát triển du lịch duyên hải miền Trung, đó là: Liên kết xây dựng một thương hiệu mạnh!

 

Ky111225.jpg

Quang cảnh cuộc hội thảo - Ảnh: T.QUỚI

TIỀM NĂNG LỚN

Liên kết là yếu tố sống còn, là cần thiết cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung. Các địa phương, đơn vị hoạt động du lịch cần chủ động liên kết các điểm, tour, tuyến du lịch, liên kết giữa địa phương với địa phương, địa phương với doanh nghiệp… để từ đó xây dựng, hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và thu hút du khách. (Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh)

Không ai phủ nhận tiềm năng du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ vô cùng phong phú và đa dạng. Về tài nguyên thiên nhiên, dọc dài bờ biển miền Trung hơn 1.000km sở hữu vô số những bãi tắm, đảo, vịnh được liệt kê vào danh sách những bãi biển, vịnh đẹp của thế giới như: Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng), Cửa Đại, Bàn Nham, Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Sa Huỳnh, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hoàng Hậu, Ghềnh Ráng, bán đảo Phương Mai (Bình Định), vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, gành Đá Đĩa (Phú Yên), Vân Phong, Cam Ranh, Hòn Tre (Khánh Hòa)… Cùng với thế mạnh về biển, đảo, trong vùng còn có những khu bảo tồn thiên nhiên và những danh thắng nổi tiếng khác, như: Khu bảo tồn thiên nhiên Đèo Cả, Bà Nà – Núi Chúa, vườn quốc gia Bạch Mã, hồ Phú Ninh, Thiên Bút – Phê Vân, thác Yang Bay… tất cả đều có giá trị lớn để khai thác, phát triển các loại hình du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Tài nguyên nhân văn cũng là thế mạnh nổi trội của vùng với nhiều di tích lịch sử, các lễ hội gắn liền với văn hóa biển, các dấu ấn văn hóa Chăm. Những di tích lịch sử, văn hóa đã trở thành biểu tượng của vùng đất như: Cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế), Ngũ Hành Sơn, Chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), kinh đô Trà Kiệu, chùa Cầu, bảo tàng văn hóa Chăm (Quảng Nam), bảo tàng Quang Trung, thành Hoàng Đế (Bình Định), di tích Tàu Không số - Vũng Rô, chùa Từ Quang (Phú Yên), tháp Bà Ponaga (Khánh Hòa), làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận)… Đặc biệt, vùng duyên hải miền Trung hội tụ đến 4 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là: Quần thể cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn.

Đây chính là điều kiện tiên quyết rất thuận lợi để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, thành tựu ngành du lịch đối với các tỉnh trong khu vực trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều bất cập, yếu kém.

CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Việc 9 tỉnh/thành từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận quyết định thành lập Tổ điều phối vùng để thực hiện liên kết phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch cho thấy quyết tâm của các địa phương nhằm liên kết để phát triển.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn về liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung, nhận xét: 9 tỉnh/thành từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận đều có lợi thế biển đảo, tiềm năng du lịch to lớn. Thế nhưng, trong suốt thời gian dài, các tỉnh đều có tư duy phát triển dàn trải dựa trên thế mạnh về tài nguyên du lịch khá tương đồng, dẫn đến những xung đột trong kinh doanh du lịch giữa các doanh nghiệp trong một địa phương và giữa các địa phương với nhau.

Một hạn chế nữa mà nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý nhắc đến, đó là hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn chạy theo phục vụ cho một sự kiện, một mục tiêu nhất thời. Tuy các địa phương đều có ý thức rất rõ về sự liên kết nhưng việc triển khai hoạt động này khá mờ nhạt, chưa thật sự “bắt tay” nhau, chưa thực hiện tốt các cam kết để cùng phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch chủ lực của các tỉnh khá trùng lặp, thiếu các dịch vụ du lịch có chất lượng quốc tế.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch và nhóm tư vấn, những tồn tại, khó khăn, bất cập về phát triển du lịch của các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ thì có nhiều. Tuy nhiên, có bốn vấn đề lớn, đó là: Hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, yếu chưa đồng bộ; công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến, thương hiệu sản phẩm còn yếu, chưa có các hoạt động hỗ trợ quảng bá du lịch giữa các địa phương và toàn vùng; liên kết du lịch giữa các tỉnh còn là một câu hỏi lớn, lúng túng, bị động, chưa biết triển khai các hình thức liên kết như thế nào để đạt hiệu quả; nguồn nhân lực trong ngành du lịch vừa thiếu vừa yếu. Số lao động chưa qua đào tạo chuyên nghiệp chiếm tỉ trọng lớn, tỉ lệ lao động lành nghề, đáp ứng nhu cầu còn thấp, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là lao động quản lý trung và cao cấp.

Den-tho-LVC111225.jpg

Đền thờ Lương Văn Chánh (huyện Phú Hòa) được nhiều du khách đến tham quan - Ảnh: M.NGUYỆT

LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN

Tại Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung”, các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý đều thống nhất khẳng định, chỉ có liên kết để cùng phát triển bền vững, đây là vấn đề cấp thiết của du lịch duyên hải miền Trung.

Tiến sĩ Hà Văn Siêu (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) nói: “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thập kỷ tới là chuyển hướng từ phát triển theo chiều rộng sang tập trung phát triển chiều sâu, đảm bảo tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, bền vững có trọng điểm và thương hiệu cạnh tranh; hướng tới xây dựng một không gian liên kết du lịch vùng thống nhất”.

Vấn đề còn lại là phải đi cụ thể vào trả lời những câu hỏi: “Ai liên kết, liên kết cái gì và liên kết như thế nào”. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Văn Tuấn phân tích: Câu hỏi ai liên kết, liên kết như thế nào đã cơ bản rõ nét, còn lại là nội dung liên kết cái gì? Theo tôi có bốn mục tiêu cần hướng tới là: Liên kết để khắc phục hạ tầng cơ sở du lịch còn quá yếu kém, trong đó có việc tạo tiếng nói đồng thuận của vùng để kiến nghị với Chính phủ sớm triển khai những dự án công lớn trong khu vực, nhất là giao thông; liên kết để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu chung của du lịch duyên hải miền Trung đủ mạnh, vừa đảm bảo tính đặc trưng của từng địa phương; liên kết đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, trong đó quảng bá phải tạo ra dấu ấn, quy mô lớn tại các địa phương, nước ngoài; liên kết đào tạo nguồn nhân lực.

TRẦN QUỚI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek