Thứ Sáu, 11/10/2024 22:26 CH
Giải thể, phá sản các doanh nghiệp Nhà nước ở Phú Yên:
Cần giải quyết dứt điểm
Thứ Bảy, 17/12/2011 14:00 CH

Thời gian qua, Phú Yên tiến hành giải thể, phá sản một số doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả nhằm củng cố, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều vướng mắc.

 

Intershop111217.jpg

Khách sạn Intershop của Công ty Du lịch Phú Yên - một trong hai doanh nghiệp đang thực hiện phá sản - Ảnh: V.AN

CHƯA THỂ GIẢI THỂ, PHÁ SẢN

 

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, trong giai đoạn 2001 - 2011, Phú Yên thực hiện giải thể bốn doanh nghiệp Nhà nước gồm: Công ty Thương mại tổng hợp Phú Yên, Công ty Dầu thực vật Phú Yên, Công ty Điện ảnh băng từ Phú Yên và Công ty Sản xuất chế biến nông sản Phú Yên; phá sản hai doanh nghiệp, gồm: Công ty Du lịch Phú Yên và Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Phú Yên. Trong số bốn doanh nghiệp bị giải thể, Công ty Sản xuất chế biến nông sản Phú Yên và Công ty Điện ảnh băng từ Phú Yên dự kiến cổ phần hóa, nhưng không thực hiện được vì tài chính không lành mạnh và UBND tỉnh đã cho phép tiến hành giải thể. Hiện tại, Công ty Điện ảnh băng từ Phú Yên đã giải thể, trong đó tỉnh cho tách lĩnh vực kinh doanh điện ảnh của đơn vị này giao cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Triển lãm thuộc Sở VH-TT-DL. Trong khi đó, theo thỏa thuận của ngân hàng, Công ty Sản xuất chế biến nông sản Phú Yên được UBND tỉnh cho phép bán nhà máy để trả nợ. Hai doanh nghiệp còn lại đến nay vẫn chưa giải thể được vì Công ty Dầu thực vật Phú Yên còn công nợ phải thu nhưng chưa thu được, Ban thanh lý công ty đang khởi kiện 10 khách hàng còn nợ gần 12 tỉ đồng, cùng một số khoản tiền phải thu, phải trả khác. Tương tự, Công ty Thương mại tổng hợp Phú Yên, số tiền nợ chưa thu được hơn 16 tỉ đồng; các khoản phải thu - trả khác liên quan đến nhiều vụ án, qua nhiều năm nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm; giám đốc, kế toán trưởng thì đã chuyển công tác, chỉ còn một phó giám đốc đảm nhận công tác giải thể, nên dù đã quá thời gian quy định, việc giải thể công ty vẫn chưa hoàn thành.

 

Ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Việc thực hiện phá sản Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Phú Yên và Công ty Du lịch Phú Yên đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo phương án được duyệt, hai doanh nghiệp này sẽ được cổ phần hóa, trong đó Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ, nhưng do thua lỗ, mất vốn nên không thể thực hiện được. Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Phú Yên có công nợ phải thu đầu kỳ gần 71,4 tỉ đồng, công nợ phải trả lên đến 208 tỉ đồng, UBND tỉnh chỉ đạo bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư (được các chủ nợ lớn chấp thuận) các cơ sở sản xuất trực thuộc doanh nghiệp này. Hiện tại TAND tỉnh Phú Yên đang thụ lý để thực hiện yêu cầu phá sản của công ty. Với Công ty Du lịch Phú Yên, qua thẩm định của hội đồng giải thể, đơn vị này đã lâm vào tình trạng phá sản nên lãnh đạo công ty đã nộp đơn đến Tòa án tỉnh xin làm thủ tục phá sản, nhưng đến nay việc thực hiện phá sản vẫn chưa hoàn thành.

 

NHIỀU VƯỚNG MẮC

 

Theo ông Nguyễn Chí Hiến, công tác giải thể, phá sản các doanh nghiệp của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặc dù các Ban thanh lý doanh nghiệp giải thể tích cực đối chiếu, xác nhận và thu hồi công nợ nhưng việc này gặp khó khăn vì công nợ nhiều năm, các đối tác còn nợ cũng đã giải thể, phá sản, mất tích hoặc có công nợ đang tranh chấp. Tình hình tài chính và công nợ của các doanh nghiệp giải thể rất phức tạp, liên quan đến nhiều vụ án chưa được xét xử, nhưng một số thành viên chính như giám đốc, kế toán trưởng chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Một số doanh nghiệp thực hiện công tác giải thể chậm, nợ phải thu không thu được, dù UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo nhưng việc giải thể phải kéo dài nhiều năm, khó kết thúc và không có khả năng thu hồi nợ.

 

Cũng theo ông Hiến, các quy định của Luật Phá sản có những bất cập so với thực tế nên việc thực hiện gặp lúng túng, vướng mắc. Ví dụ Luật Phá sản không quy định thủ tục tiền phá sản (chuẩn bị các điều kiện nộp đơn) đối với chủ doanh nghiệp, nên khi nhận thấy đơn vị rơi vào tình trạng phá sản, chủ doanh nghiệp làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại tòa án là hết trách nhiệm. Toàn bộ hậu quả do doanh nghiệp gây ra sau bao nhiêu năm hoạt động tòa án phải giải quyết, nhưng hồ sơ pháp lý các khoản nợ phải thu hết sức sơ sài, thiếu căn cứ pháp lý. Doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, lưu giữ hồ sơ không tốt (thất lạc hoặc mất) nên tòa án không có cơ sở để đối chiếu, thu hồi công nợ.

 

Ngoài ra, việc thực hiện phá sản doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi trụ sở, nhà kho, nhà máy, cơ sở kinh doanh của các doanh nghiệp yêu cầu phá sản được xây dựng trên đất do Nhà nước giao quyền sử dụng đất, cho thuê đất có thời vụ. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện phá sản thì tài sản, vật kiến trúc trên đất của các doanh nghiệp thực hiện phá sản sẽ bị hư hao, xuống cấp, mất mát, thiệt hại vì vậy sẽ lớn hơn.

 

HOÀI TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek