Chủ Nhật, 13/10/2024 12:20 CH
Chăn nuôi nhỏ lẻ, tiềm ẩn dịch bệnh
Thứ Ba, 29/11/2011 09:20 SA

Hình thành từ lâu, hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người nông dân ở khu vực nông thôn. Thế nhưng, hình thức chăn nuôi này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay.

 

Vit111129.jpg

Nuôi vịt chạy đồng, nếu không tiêm phòng đầy đủ dễ phát sinh dịch bệnh. - Ảnh: A.NGỌC

Không thể phủ nhận hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đã góp phần giải quyết nhu cầu thực phẩm tại chỗ, cải thiện kinh tế gia đình, tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn trong tỉnh. Một trong những yếu tố giúp hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ phát triển mạnh là không cần nhiều vốn đầu tư, dễ học, dễ làm, dễ truyền đạt… Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay và ngành Nông nghiệp đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hàng hóa thì việc người dân vẫn áp dụng hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, như trình độ chăn nuôi lạc hậu, phát triển không tập trung, ảnh hưởng xấu đến môi trường, công tác phòng tránh dịch bệnh khó kiểm soát và gây thiệt hại lớn.

 

UBND tỉnh Phú Yên đã có quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, với mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 82 khu chăn nuôi tập trung, tổng diện tích trên 4.000ha. Đàn bò đạt 310.000 con, đàn heo đạt 205.000 con, đàn gia cầm đạt 3,47 triệu con, trong đó chăn nuôi tập trung chiếm hơn 50%.

Thống kê từ Sở NN-PTNT, trên địa bàn Phú Yên hiện chỉ có một trang trại chăn nuôi được đầu tư theo hướng công nghiệp, với quy trình xử lý khép kín. Còn lại, gia súc, gia cầm được người dân nuôi theo hình thức thả rông, nguồn thức ăn chủ yếu từ phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chưa được xử lý, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Theo cơ quan thú y, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ lẻ, tự phát đang tồn tại trong điều kiện người nuôi thiếu kiến thức, vốn đầu tư, con giống, không tuân thủ các quy định vệ sinh thú y, tiêm phòng... nên mỗi khi phát sinh dịch bệnh thường dễ gặp tình trạng người nuôi bán tháo động vật khi bị bệnh hoặc vứt xác bừa bãi ra môi trường mà không khai báo với cơ quan chức năng... Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát dịch bệnh. Ông Nguyễn Minh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ là một trong những nguyên nhân “góp phần” làm phát sinh dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, vì người chăn nuôi không tuân thủ các quy định về cách ly dịch bệnh, tiêm phòng khi nhập, xuất đàn, khai báo dịch. Xem xét trên các bình diện về điều kiện kỹ thuật, vốn, đối tượng… rõ ràng từng hộ chăn nuôi có thể đang tiềm ẩn một ổ dịch.

 

Theo các nhà quản lý nông nghiệp, nếu chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức trang trại, người chăn nuôi sẽ giảm thiểu rủi ro, vì quy trình sản xuất được thực hiện khép kín, chủ động được con giống, thức ăn, công tác thú y... Bên cạnh đó, việc tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi bán cho các trang trại trồng cây công nghiệp và làm chất đốt (từ việc làm hầm biogas) cũng góp phần giảm chi phí đầu vào, đảm bảo vệ sinh môi trường và ngăn ngừa dịch bệnh.

  

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek