Chủ Nhật, 13/10/2024 22:23 CH
Giá lương thực đẩy CPI trong tháng 11 tăng nhẹ
Thứ Năm, 24/11/2011 17:00 CH

Với các giải pháp quyết liệt được triển khai đồng bộ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2011 chỉ tăng nhẹ so với tháng 10. Tuy nhiên, với quy luật tiêu dùng nóng tháng cuối năm, khả năng níu giữ lạm phát cả năm dừng chân ở mức 18% khá mong manh khi CPI 11 tháng qua đã cán mốc 17,5%.

 

mua-111124.jpg
Khách mua sắm tại siêu thị. - Ảnh minh họa: TTXVN

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/11 cho thấy, CPI tháng 11 chỉ tăng 0,39% so với tháng 10 nhưng lại tăng 19,83% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng này, CPI bình quân 11 tháng qua đã tăng 18,62% so với cùng kỳ 2010.

 

CPI tháng 11 tăng ở 8/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng đều dưới 1%. Ba nhóm hàng hóa còn lại là giao thông, bưu chính, văn hóa, giải trí và du lịch giảm giá. Theo Tổng cục Thống kê, yếu tố góp phần kìm hãm tốc độ tăng CPI tháng này là giá thực phẩm tiếp tục giảm 0,26%; trong đó, giá thịt lợn giảm 2,18%; gia cầm tươi sống giảm 0,75% do nguồn cung đã được bù đắp từ nguồn nhập khẩu và đến kỳ thu hoạch. Giá thịt heo hơi tại các tỉnh phía Bắc phổ biến khoảng 50-52 nghìn đồng/kg, giảm 5-7 nghìn đồng/kg; các tỉnh phía Nam giá thấp hơn, phổ biến khoảng 46-50 nghìn đồng/kg, giảm 3-5 nghìn đồng/kg.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng này, một số nhóm lại có xu hướng nhích lên; trong đó có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống-nhóm chi phối mạnh nhất tới CPI chung lại bật lên tăng mạnh do sức đẩy của giá lương thực.

 

Vụ trưởng Vụ Giá Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho biết, nhóm lương thực tăng giá tới 3,25% do giá lương thực tại các tỉnh miền Nam tăng mạnh khi doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua phục vụ xuất khẩu. Cùng đó, tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và miền Nam cũng góp phần đẩy giá một số mặt hàng lương thực và rau xanh. Giá gạo tẻ thường tăng 4,12%; giá gạo tẻ ngon tăng 2,76% và gạo nếp tăng 1,31% so với tháng trước. Giá gạo tăng kéo theo giá một số mặt hàng lương thực chế biến cũng tăng từ 0,75% đến 1,85%.

 

Đặc biệt, tỉ giá USD/VND trong 3 tháng gần đây liên tục tăng đã làm chi phí đầu vào của một số mặt hàng thiết yếu nhập khẩu cũng tăng giá lên để bù đắp chi phí. Ngoài ra, do tháng 11 là thời điểm giao mùa nên giá một số mặt hàng may mặc và dịch vụ may mặc cũng tăng khá. Giá một số dịch vụ nhà ở cũng tăng do nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa tăng mạnh dịp cuối năm.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, tháng 12 là tháng có mức tăng giá tiêu dùng mạnh bởi quy luật tiêu dùng “nóng”, nhất là năm nay, Tết Nguyên đán lại rơi vào tháng 1/2012. Vì vậy, giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ có cơ hội tăng mạnh khi "cung" không đủ "cầu" hoặc "cung" có nhưng bị tắc nghẽn không lưu thông được tới được các địa bàn trọng yếu do bão lụt, vận tải.

 

Vì vậy, để đảm bảo hạn chế thấp nhất những tác động không mong muốn của tăng giá tiêu dùng, bên cạnh việc tiếp tục triển khai quyết liệt 6 nhóm giải pháp lớn của Chính phủ đã đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu với dự báo nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2012 sẽ tăng trên 20%. Đặc biệt, hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu, đẩy mạnh dự trữ sẵn sàng tung ra bình ổn thị trường.

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek