So với vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông rộng lớn hơn với diện tích khoảng 26.000ha (vịnh Xuân Đài 13.000ha). Đầm Cù Mông nằm phía nam dãy Cù Mông chạy dài qua sáu xã Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Thịnh và nối với cửa biển.
Thấp thoáng những làng chài dưới hàng dừa ven đầm như bức tranh quê yên bình - Ảnh: T.QUỚI
Đầm Cù Mông mang vẻ đẹp lãng mạn. Trong đầm có hòn Nần là một đảo nhỏ, đá lô nhô, không có cây cối rậm rạp, trên hòn Nần có một miếu thờ nhỏ, gọi là miếu Công thần. Đây là một di tích ghi công những nghĩa sĩ quân Nguyễn Ánh trong trận giao chiến với quân Tây Sơn. Miếu là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cư dân ven đầm.
Liên quan đến di tích văn hóa, đầm Cù Mông chứa đựng nhiều thông tin về một nền văn hóa của người Việt cổ sinh sống ở khu vực ven biển miền Trung. Đó là di chỉ Gò Ốc (thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc) và Cồn Đình (thuộc xã Xuân Bình).
Du thuyền dọc đầm Cù Mông, du khách có cảm giác thật thư thái, yên bình. Nước trong đầm xanh trong, lăn tăn sóng gợn. Cửa biển thông vào đầm được che chắn bởi hai mõm núi đá, ở mép cửa tây là Mom Ông (Cồn Nhàng), mép cửa đông và dãy núi cánh tay tạo thành vòng cung như vòng tay của mẹ (biển Đông) ôm lấy con nhỏ (đầm Cù Mông).
Dọc đầm Cù mông, những làng chài ven biển ẩn dưới hàng dừa xanh yên bình soi bóng. Dọc đầm Cù Mông, những cây cầu nên thơ bằng gỗ vắt ngang eo đầm (cầu Xuân Cảnh, Xuân Hải) và cây cầu Bình Phú hiện đại nối quốc lộ 1A với quốc lộ 1D giữa Phú Yên và Bình Định. Dọc đầm Cù Mông, thuyền ta ngang qua những cánh đồng muối trắng nổi tiếng ở Xuân Bình, Xuân Lộc; ngang qua những rặng dừa xanh làm nên một hình ảnh Sông Cầu, xứ dừa nổi tiếng sau Tam Quan, Bình Định...
Dọc đầm Cù Mông, du khách sẽ ngang qua những dãy hàng quán nhà nổi trên mặt đầm với những loại hải sản mang hương vị độc đáo riêng. Nhất là con ghẹ Cù Mông thơm ngon, chắc nịch, mặn mà làm du khách gần xa khó quên khi thưởng thức.
Dọc đầm Cù Mông, trong sóng nước lao xao, du khách được nghe những lão ngư kể về giai thoại cuộc chiến bi hùng giữa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn trên đầm. Tương truyền khi quân Nguyễn Ánh bị anh em nhà Tây Sơn đánh tháo chạy, ẩn nấp trên Hòn Khô (thuộc dãy Cù Mông) sau đó tìm đường xuống chân đèo, tìm cách vượt qua đầm để xuôi về phương Nam. Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Ánh và binh lính của ông được người dân ven đầm tiếp ứng quân lương sống qua ngày. Người dân còn kể câu chuyện rất cảm động về một phụ nữ có tên Phạm Thị đã dâng bánh nậm cho Nguyễn Ánh và chỉ đường lánh nạn trong lúc nguy khốn…
Với vẻ đẹp thiên nhiên như tranh vẽ và địa thế quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến cư dân quanh vùng trong việc phát triển kinh tế - xã hội cùng những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đầm Cù Mông đang được ngành Văn hóa - Du lịch lập hồ sơ đề nghị công nhận danh thắng cấp quốc gia.
QUỲNH MAI