Trong sản xuất thủy sản, việc đoàn kết lực lượng sản xuất có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa phát huy sức mạnh cộng đồng trong quá trình phát triển sản xuất, vừa xây dựng, bảo vệ cuộc sống ở các làng biển.
Ngư dân xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) liên kết với nhau thành lập mô hình quản lý cộng đồng trong nuôi tôm hùm lồng - Ảnh: P.V
Phú Yên hiện có 105 tổ hợp tác ngư nghiệp và tổ tàu thuyền an toàn được thành lập, tập trung ở các huyện Đông Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa. Các tổ tàu thuyền an toàn và tổ hợp tác ngư nghiệp đã phát huy được sức mạnh cộng đồng trong việc hỗ trợ nhau trong khai thác, đánh bắt thủy sản, đồng thời tham gia bảo vệ an ninh trật tự an toàn trên biển. Do vậy, việc thành lập các tổ tàu thuyền an toàn và tổ hợp tác nghề cá luôn được tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp quan tâm.
Trong khai thác thủy sản muốn vươn ra biển lớn thì phải có tàu lớn và nhiều lao động tham gia. Quá trình hoạt động trên biển, các thành viên trên tàu luôn có sự liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một khối thống nhất, đặt dưới sự chỉ huy của người thuyền trưởng. Sự phối kết hợp của các thuyền viên, thủy thủ trên tàu càng nhịp nhàng, chặt chẽ, càng tạo nên năng suất, hiệu quả của chuyến biển. Các phương tiện tàu thuyền cùng hoạt động trên một vùng biển thì việc hợp tác càng quan trọng, để giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và cả khi gặp rủi ro xảy ra trên biển. Thực tế cho thấy, khi một tàu bị hỏng máy hay bị sự cố nào đó đều được các tàu khác kịp thời hỗ trợ cứu người và phương tiện mà không nề hà đòi hỏi chi phí. Ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, lực lượng tàu thuyền và ngư dân sản xuất trên biển còn có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng vũ trang cùng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Sự phối kết hợp đó sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, trấn áp các thế lực nước ngoài xâm phạm đến lãnh hải, xâm hại đến nghề nghiệp của ngư dân. Thời gian qua, có không ít trường hợp tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải nước ta được ngư dân phát giác cấp báo cho bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quân kịp thời xua đuổi, xử lý. Hay một số đối tượng sử dụng xung điện, chất nổ khai thác thủy sản trái phép trên các vùng biển đã bị truy bắt và xử lý… một phần quan trọng nhờ vào sự tiếp sức đắc lực của ngư dân.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng vậy, các nhu cầu phục vụ sản xuất, từ thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật đến kinh nghiệm sản xuất, đòi hỏi phải có sự phối hợp giúp đỡ lẫn nhau mới tạo nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) đã thành lập hàng chục tổ tự quản nuôi tôm, với hàng trăm hộ tham gia, hay như ở xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu), ngư dân triển khai mô hình quản lý cộng đồng trong nuôi tôm sú và nuôi tôm hùm, với hàng trăm hộ tham gia. Các tổ tự quản trong nuôi trồng thủy sản hoạt động theo quy chế và được đông đảo bà con ngư dân tự nguyện tham gia, nhờ vậy mà đã phát huy được sức mạnh cộng đồng trong quản lý môi trường vùng nuôi, phòng trị dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản; tạo sự gắn kết giữa các ngư dân với nhau và tình làng nghĩa xóm trong ngư dân ngày càng thắm đượm.
Đối với bà con ngư dân sinh sống ven biển, đây là địa bàn nhạy cảm, thường xuyên xuất hiện nhiều tình huống phức tạp, do vậy mà ngoài phát triển kinh tế, bà con còn là “tai mắt” phát giác các trường hợp thâm nhập bất hợp pháp, khai thác thủy sản trái phép, khi cấp thiết họ sẽ là lực lượng phối hợp cùng công an, dân phòng ở địa phương xử lý các tình huống xảy ra ngay tại địa bàn mình sinh sống… Ngoài ra, nhờ biết phát huy vai trò của cộng đồng mà việc xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội, từ đường làng, ngõ xóm, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống đường điện, thủy lợi... ở các làng biển được ngư dân tích cực hưởng ứng, làm cho bộ mặt nông thôn miền biển ngày càng được đổi thay, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng nông thôn ven biển với thành thị.
NGUYỄN KHẮC TÂN