Từ nguồn kinh phí khuyến công, 5 năm qua, tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ cho 51 dự án tại các làng nghề với tổng kinh phí trên 4 tỉ đồng, gồm các hoạt động đào tạo nghề, tạo sản phẩm mới, xây dựng, quảng bá thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ. Tuy vậy, không ít làng nghề vẫn đối mặt với nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển.
Người dân Mỹ Thành (huyện Phú Hòa) bó chổi đót - Ảnh: K.CH
LOAY HOAY TÌM HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Để tạo điều kiện làng nghề bánh tráng Đông Bình (huyện Phú Hòa) phát triển, ngày 24/12/2008 UBND tỉnh có Quyết định số 2161/QĐ-UBND thành lập Hiệp hội bánh tráng Đông Bình, nhằm liên kết các hộ sản xuất bánh tráng trong làng nghề với nhau để phát huy sức mạnh của kinh tế tập thể, hỗ trợ những thành viên tiếp cận thông tin thị trường, thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng đã tạo điều kiện đưa các hộ sản xuất bánh tráng đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các làng nghề sản xuất bánh tráng ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), tham gia chào hàng tại các tỉnh…, nhưng đến nay bánh tráng Đông Bình vẫn chưa đưa ra giới thiệu rộng rãi ngay tại tỉnh nhà. Bà Nguyễn Thị Phượng bộc bạch: “Có thể khẳng định rằng bánh tráng Phú Yên ngon, nhưng so với bánh tráng nơi khác thì bánh tráng Phú Yên dòn hơn, để lâu rất dễ vỡ. Nếu đưa vào bán tại siêu thị thì ít nhất phải đảm bảo bánh để được từ 3-6 tháng, nhưng tôi cảm thấy chưa thật sự tự tin nên chưa mang sản phẩm đi giới thiệu. Chúng tôi rất mong muốn được học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của các cơ sở khác để tìm cách làm sao bánh làm ra ngoài ngon còn phải mềm, không dễ vỡ. Được như vậy, chúng tôi mới có thể tự tin chào hàng rộng rãi trên thị trường, kể cả thị trường nước ngoài”.
Ông Trần Quốc Liêm, chuyên viên phòng Kinh tế và Hạ tầng (huyện Phú Hòa) bày tỏ: Mấy năm trước, có một đoàn doanh nhân Đài Loan tìm đến, dự định hợp tác với làng nghề bó chổi đót Mỹ Thành (xã Hòa Thắng) để sản xuất các mặt hàng cho họ xuất khẩu. Thế nhưng khi họ chuyển giao và yêu cầu lao động làng nghề gia công sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu của họ, tính ra chi phí giá thành rất cao, hơn nữa lao động làng nghề hầu hết làm thủ công, nên sau đó họ cũng thôi luôn.
Tại làng gốm đất nung Trường Thịnh (xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa), năm 2006, Trung tâm Khuyến công tỉnh (thuộc Sở Công Thương Phú Yên) đã xây dựng chương trình đào tạo nghề gốm đất nung mỹ nghệ, với hy vọng tạo hướng mở phát triển làng nghề. Chương trình đã đưa người lao động đến Quảng Nam để học việc, sau đó mời thợ có kinh nghiệm về tận nơi để truyền nghề. Dù vậy, khi chương trình kết thúc không lâu thì làng nghề cũng rơi vào bế tắc. Không chỉ làng gốm Trường Thịnh, nhiều làng nghề khác trong tỉnh, như chiếu cói Phú Tân (huyện Tuy An), nghề đan bóng Mò O (TX Sông Cầu), nghề mành gỗ xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) … cũng trong tình trạng tương tự.
Mới đây, trong đợt kiểm tra hoạt động của các làng nghề trong tỉnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Chế Bá Hùng đã nhận xét: Bên cạnh các làng nghề hoạt động khá ổn định còn một số làng nghề hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, chưa tập trung, vốn ít, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại địa phương, chủ yếu là lao động thủ công, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng về chủng loại, chưa theo đuổi kịp nhu cầu của người tiêu dùng. Khó khăn các làng nghề đang gặp phải là thiếu vốn đầu tư công nghệ để kết hợp phát triển nghề truyền thống với kỹ thuật hiện đại nhằm tạo các sản phẩm theo kịp thị hiếu thị trường. Đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề nan giải, cần có sự hỗ trợ từ ngành chức năng. Ngoài ra, quy hoạch mặt bằng để đưa làng nghề vào vị trí, địa điểm sản xuất phù hợp cũng là vấn đề bức xúc tại các làng nghề ở Phú Yên.
QUY HOẠCH ĐỂ PHÁT TRIỂN
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề phát triển, thời gian qua, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, UBND tỉnh và các ngành, các cấp liên quan đã tổ chức liên kết đào tạo tay nghề cho lao động nông thôn, từng bước tăng tỉ lệ lao động được đào tạo. Các làng nghề được công nhận được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, như: đường giao thông, cổng làng nghề, chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại phục vụ sản xuất… Cũng với mục đích trên và để các làng nghề, nghề truyền thống của tỉnh có một hướng đi đúng đắn, ngày 6/6/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Phú Yên. Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2015, sẽ có hàng loạt nghề truyền thống được sắp xếp lại. Trong đó nghề gốm sẽ theo hướng sản xuất hàng gốm sứ thủ công mỹ nghệ, như tượng, lọ hoa,… theo mẫu mã đặt hàng của các cửa hàng buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ. Quy hoạch củng cố các làng nghề sản xuất bánh tráng, bún phở theo hướng kinh tế hợp tác, đến năm 2015 có 5 làng nghề. Quy hoạch 6 làng nghề sản xuất hàng thủ công, bao gồm: Mây tre đan Phước Nông (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa), đan thúng chai Mỹ Long (xã An Dân), dệt chiếu cói Phú Tân (xã An Cư, huyện Tuy An), đan tre Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân), dép da Ngọc Lãng (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa); chiếu cói Phú Hòa (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa). Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng các làng nghề đã được công nhận, đổi mới thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện tham quan, tập huấn, tìm hiểu mẫu mã mới, quy trình sản xuất tiên tiến; khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ hải sản ở huyện Tuy An và TX Sông Cầu. Đồng thời, tỉnh cũng quy hoạch phát triển mạnh nhóm 5 dự án xây dựng mô hình làng nghề: Đan đát Vinh Ba, bánh tráng Đông Bình, gốm sứ Hòa Vinh, dệt chiếu cói Phú Tân, nước mắm và phơi sấy cá Xuân Hòa theo mô hình hợp tác xã, cải tiến công nghệ, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, xử lý chất thải bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. 2 dự án khôi phục làng nghề gốm đất nung Quảng Đức và Hòa Quang Bắc nhằm cải tiến công nghệ, tăng số lượng hộ tham gia, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường, phát triển du lịch…
Bài 3: Hướng mở cho làng nghề
KIM CHI - PHƯƠNG ĐÔNG