Sau gần 2 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng, mẫu mã hàng hóa cũng như các chế độ hậu mãi nhằm tăng sức cạnh tranh. Do đó, người tiêu dùng ngày càng chú ý đến hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Nhiều người tham quan, mua sắm tại các hội chợ hàng tiêu dùng - Ảnh: N.XUÂN |
Tại cuộc họp sơ kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã nêu bật được một số kết quả đáng khích lệ. Năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh thực hiện 4.840 tỉ đồng, tăng 16,3% so với năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 9.340 tỉ đồng, tăng 104,7% so với kế hoạch. Kết quả này đã góp phần khắc phục suy giảm kinh tế, bảo đảm sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trước những biến động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
Sáu tháng đầu năm 2011, cuộc vận động này tiếp tục phát huy tác dụng. Một số doanh nghiệp phối hợp với Sở Công thương Phú Yên tổ chức nhiều đợt hội chợ, đưa hàng Việt về nông thôn với những chính sách giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong sáu tháng này 5.850 tỉ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó hàng trong nước chiếm tỉ trọng hơn 90%.
Các hình thức tuyên truyền, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được một số doanh nghiệp của tỉnh tham gia dưới nhiều hình thức, như hội chợ hàng tiêu dùng, hội chợ thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt phục vụ công nhân... Sở Công thương Phú Yên đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 8 hội chợ hàng Việt tại trung tâm tỉnh, các huyện, thị xã và vận động 34 lượt doanh nghiệp tổ chức 5 phiên chợ đưa hàng Việt về bán lưu động tại các huyện miền núi, nông thôn. Các mặt hàng bán chủ yếu là hàng công nghệ thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ...
Cuộc vận động cũng tạo được những chuyển biến tích cực trong ý thức của người sản xuất, tiêu dùng: các doanh nghiệp nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của mình và từng bước cải thiện chất lượng, mẫu mã của sản phẩm; người tiêu dùng thay đổi tâm lý sính ngoại, ngày càng chú trọng đến những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.
Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn góp phần hình thành văn hóa mua sắm văn minh, hiện đại - Ảnh: N.XUÂN
CẦN TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH
Để đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, điều quan trọng là cần tiếp tục tuyên truyền và tạo điều kiện cho người tiêu dùng được tiếp cận với hàng Việt Nam, nhất là những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, có sức cạnh tranh với các sản phẩm khác cùng loại. Ông Bá Thanh Kia, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho biết: “Để cuộc vận động thực sự thành công, các đơn vị quản lý cần tăng cường kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện giao thương, hợp tác cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, siết chặt quản lý nhằm chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của hàng hóa Việt Nam”.
Về phần mình, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng hóa cần nỗ lực cải thiện sản phẩm, hoàn thiện về chất lượng, mẫu mã, bao bì để thu hút khách hàng. Có như vậy, các sản phẩm Việt mới “giữ chân” được người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh với hàng ngoại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối sản phẩm cũng cần tạo mọi điều kiện để quảng bá và đưa hàng Việt chất lượng đến tay người tiêu dùng với nhiều chính sách hậu mãi hấp dẫn.
Ông Bá Thanh Kia cho biết thêm: công tác tuyên truyền, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần phải được thực hiện liên tục, kiên trì, bền bỉ thông qua lực lượng cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng học sinh, sinh viên ngay từ trên ghế nhà trường. Phấn đấu để việc người Việt dùng hàng Việt trở thành một nét văn hóa, thành thói quen tiêu dùng.
Bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa chia sẻ: “Thấy được ý nghĩa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đơn vị thường xuyên hưởng ứng tất cả các đợt bán hàng Việt do Sở Công thương phát động. Bên cạnh đó, siêu thị cũng thường xuyên tổ chức nhiều đợt bán hàng lưu động, hàng bình ổn giá tại các huyện miền núi, các xã khó khăn để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao với giá ưu đãi nhất. Qua đó, chúng tôi tạo điều kiện cho người tiêu dùng phân biệt hàng Việt Nam chất lượng cao với các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để họ có sự lựa chọn hợp lý, đồng thời từng bước tạo văn hóa mua sắm văn minh, hiện đại cho người tiêu dùng”.
NGÔ XUÂN