Người dân ở các xã An Hòa, An Hiệp, An Chấn… (huyện Tuy An) đang vào mùa đào cỏ gấu. Từng góc ruộng, bờ cỏ được nhiều người đào bới để thu củ, có thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Nông dân xã An Hòa đang đào cỏ gấu tại cánh đồng Láng - Ảnh: T.HƯƠNG
Cỏ gấu thường mọc hoang ở đồng ruộng, ven đường, ven biển… Cỏ gấu là loại cỏ rất khó diệt, chỉ một đoạn rễ nhỏ là mọc thành cây mới. Trong Đông y, củ cỏ gấu có tên hương phụ, là vị thuốc có tác dụng lý khí, giải uất, chỉ thống (làm hết đau), nôn mửa…
Những ngày này, trên các cánh đồng dọc quốc lộ 1, đoạn qua huyện Tuy An có nhiều người đào củ cỏ gấu. Ông Đặng Văn Ngời ở thôn Phú Thường, xã An Hòa cho biết: “Công việc đào cỏ gấu có từ đây, nơi cánh đồng Láng, xã An Hòa và Quán Cau, xã An Hiệp bạt ngàn cỏ”. Đang nhổ cỏ gấu cạnh đó, ông Trần Đức Vượng ở xã An Hiệp “đệm” hai câu ca dao như để minh chứng thêm điều ông Ngời vừa nói: “Phú Yên đất đỏ triền triền/Có đào cỏ gấu có tiền đi xe”.
Việc đào cỏ gấu đã mang lại thu nhập đáng kể, nên ngày càng có nhiều người rủ nhau đi đào, không kể già hay trẻ. Năm nay, sức tiêu thụ tăng cao, nên có thời điểm giá củ cỏ này lên đến 13.000 đồng/kg. Thông thường, khi đi đào cỏ phải có ít nhất hai lao động, người băm đất, người nhặt củ. Bà Trần Thị Khanh ở xã An Hòa cho biết, mỗi ngày hai vợ chồng tôi đào gần 25kg củ, thu nhập gần 300.000 đồng. Còn em Nguyễn Thị Hòa, học sinh lớp 6, cho biết: Tranh thủ lúc thả bò ăn trên đồng ruộng, em đi đào cỏ gấu. Từ sáng đến chiều thu được hơn 6kg củ, giá 11.000 đồng/kg, kiếm gần 70.000 đồng.
Đào cỏ gấu cho thu nhập khá, nên nhiều người dân ở huyện Tuy An còn rủ nhau vào Khánh Hòa để tìm đào. Ông Phan Văn Thanh ở xã An Chấn nói: Tôi thường đi xe máy ra TX Sông Cầu hay vào Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) để đào cỏ gấu, đến chiều tối mới về, có hôm ở lại qua đêm luôn. Loại cỏ này được mua gom rồi xuất bán sang Trung Quốc để làm thuốc. Trước đây ít người đào, nay thì nhiều người đào nên cỏ mọc không kịp.
Hiện nay, người đào cỏ gấu không chỉ ở huyện Tuy An mà còn có một số người ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), huyện Tuy Phước (Bình Định). Nhiều người ở các địa phương này khi hay tin ở Tuy An có nhiều cỏ gấu cũng khăn gói đến đây để khai thác. Bà Thái Thị Nga ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang đào cỏ gấu tại cánh đồng Quán Cau cho biết: “Ở trong đó chúng tôi đi nạo vét hồ cho các hộ nuôi tôm, tiền công mỗi ngày chỉ 80.000 đồng, còn ra đây đào cỏ gấu mỗi ngày kiếm trên 100.000 đồng. Nghe nói đồng ở Tuy An có nhiều cỏ gấu nên chúng tôi rủ nhau ra đây đào”.
Để làm việc này, người ta phải thức dậy từ sáng sớm, đến các cánh đồng nơi có nhiều cỏ gấu, miệt mài đào cho đến tối. Sau khi đào, củ được mang về giũ sạch cát đất, phơi khô hai nắng rồi đem đốt sơ cho sạch rễ, làm sạch tạp chất và bán thương lái. Bà Trần Thái An, chuyên mua củ cỏ gấu ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) cho biết, trước đây người đào cỏ gấu thường bán cho các hiệu thuốc bắc, nay thì bán cho các thương lái để xuất sang Trung Quốc. Mỗi ngày bà mua 2-3 tấn.
Ông Nguyễn Vũ Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết, năm nay nhờ giá củ cỏ gấu tăng cao, nên nông dân rất phấn khởi. Công việc này không chỉ mang lại một khoản thu nhập, mà còn góp phần diệt các loại cỏ dại trên đồng ruộng.
TUYẾT HƯƠNG