Dịch bệnh trên tôm nuôi và hiện tượng nghêu chết hàng loạt xảy ra ở các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và miền Nam. Vừa qua, Cục Thú y đã có chuyến kiểm tra thực tế tại các tỉnh xảy ra dịch bệnh trên tôm và nghêu, trong đó có Phú Yên. Báo Phú Yên phỏng vấn Cục Trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm (Bộ NN - PTNT) về vấn đề phát triển bền vững nghề nuôi tôm thương phẩm tại Phú Yên.
Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y - Ảnh: T.HƯƠNG
* Qua kiểm tra tại các địa phương, trong đó có Phú Yên, theo ông đâu là nguyên nhân gây nên dịch bệnh ở tôm và nghêu tại các tỉnh, thành trong cả nước?
- Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh xảy ra trên thủy sản nuôi làm chết nhiều tôm và nghêu nuôi. Nguyên nhân được xác định là do các loại thủy sản này bị hoại tử gan, tụy. Các tỉnh có dịch bệnh
trên tôm và nghêu nặng như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre… Riêng tại Phú Yên, qua kiểm tra được biết từ đầu năm đến nay dịch bệnh tôm xảy ra ở mức độ tương đối nặng, chủ yếu ở các vùng nuôi tôm tập trung. Vừa qua, Cục Thú y đã phối hợp với Tổ chức Thú y thế giới (OIE) điều tra, bước đầu đã xác định nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm độc môi trường, còn các mầm bệnh do virut, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng thì không phát hiện được. Các nhà khoa học thế giới cho rằng dịch bệnh lần này là do biến đổi môi trường gây nên.
Thực tế kiểm tra cho thấy, hầu hết dịch bệnh xảy ra ở các vùng nuôi tập trung, có mật độ cao hay còn gọi là vùng nuôi công nghiệp, dịch xảy ra ít hơn ở những vùng nuôi bán thâm canh, quảng canh hoặc xen canh.
* Đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi môi trường dẫn đến dịch bệnh trên thủy sản trên diện rộng trong thời gian qua?
- Trong nuôi trồng thủy sản, người nuôi cùng các ngành chức năng phải chú trọng đến việc đầu tư, hoạch định việc phát triển bền vững. Một trong những tiêu chí mang tính quyết định là công tác và biện pháp xử lý môi trường nuôi. Nếu chạy theo mục đích tăng trưởng, tăng lãi suất nhanh mà phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường thì sẽ dẫn đến thiệt hại nặng như thời gian qua. Nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường nuôi đến mức độ báo động như hiện nay là cả một quá trình tích tụ nhiều tác nhân như: xử lý môi trường bằng nhiều hóa chất độc hại, hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm chưa tốt như nước thải ra và lấy vào để nuôi tôm cùng chung một nguồn, lịch thả nuôi chưa phù hợp, tăng mật độ nuôi cũng như tăng vụ không hợp lý, mở rộng vụ nuôi nhiều quá nhưng lại không chú trọng đến xử lý môi trường...
Vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa). - Ảnh: N.CHUNG |
- Trước tiên nông dân cần xác định loại giống phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để thả nuôi. Đây là một trong những nhân tố đầu tiên làm nên thành công của vụ nuôi. Đặc điểm tự nhiên và khí hậu của Phú Yên không phù hợp để thả nuôi giống tôm sú, nhưng rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên các đầm cát ven biển.
Lịch nuôi thả phải phù hợp, công tác xử lý môi trường phải đảm bảo để tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường như thời gian qua. Theo kinh nghiệm của nước ta cũng như các nước có nghề nuôi tôm phát triển trên thế giới, nếu không làm tốt khâu này, chúng ta sẽ phải trả giá đắt vì khi một vùng nuôi tôm đã bị ô nhiễm sẽ phải bỏ trắng từ 1-2 năm để môi trường có thời gian tự rửa sạch.
Ngành Thủy sản địa phương cần phát huy tốt hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn, theo dõi quá trình phát triển nghề nuôi tôm.
* Xin cảm ơn ông!
TUYẾT HƯƠNG (thực hiện)