Những ngày qua, nhiều nông dân trồng mía ở các xã Sơn Nguyên, Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) và Xuân Phước, Ða Lộc (huyện Ðồng Xuân) đổ xô thuê công chặt mía bán cho nhà máy đường. Không chỉ thiếu công thu hoạch, người trồng mía còn “đỏ mắt” tìm phương tiện vận chuyển.
Hàng chục xe mía chờ lên bàn cân Nhà máy đường KCP huyện Sơn Hòa - Ảnh: P.NAM |
THIẾU CẢ NHÂN CÔNG LẪN PHƯƠNG TIỆN
Theo thống kê của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, đến ngày 21/6, công ty này đã ép 730.000 tấn mía cây, sản xuất 57.000 tấn đường. Dự kiến kết thúc niên vụ mía 2010-2011, công ty mua 760.000 tấn mía, sản xuất 59.000 tấn đường.
Theo kế hoạch, đến hết ngày 25/6, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam sẽ kết thúc vụ ép niên vụ mía 2010-2011. Nghe tin, hàng chục hộ nông dân ở thôn Nguyên Xuân, xã Suối Bạc tất bật đi thuê nhân công chặt mía để bán cho nhà máy đường. Vùng heo hút này lại nhộn nhịp vì nhân công từ nhiều nơi đến chặt mía thuê. Còn ở thôn Phước Hiệp, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), nông dân cũng tấp nập thu hoạch mía bán cho thương lái. Ông Nguyễn Văn Minh, chủ một rẫy mía ở thôn Phước Hiệp, chấp nhận trả công lao động 120.000 đồng/ngày để họ chặt mía; nếu khoán theo bó thì tiền công là 1.500 đồng/bó, tăng hơn 700 đồng/bó so với trước đây.
Không chỉ “sốt” công chặt mía, phương tiện vận chuyển cũng trở nên khan hiếm. Ông Lê Hồng Thống ở thôn Nguyên Xuân, xã Suối Bạc kéo lá mía che những bó mía nằm lăn lóc dưới ruộng. Ông Thống nói: “Tôi thuê công chặt khoảng 3 xe, tương đương 40 tấn mía nhưng mấy ngày qua không thấy xe đến vận chuyển. Sốt ruột, tôi đã đến Nhà máy đường KCP liên hệ thì họ bảo sẽ có xe vô chở. Chờ 3-4 ngày rồi mà tôi không thấy xe đâu”. Không chỉ ông Thống mà cả xóm này ai cũng tranh thủ bán mía, vì nghe tin Nhà máy đường KCP sắp kết thúc niên vụ. Vì thế những ngày qua, dọc các con đường men theo sườn đồi ở thôn Nguyên Xuân, hàng chục tấn mía được nông dân thu hoạch đang chờ đợi xe đến vận chuyển. Ông Trần Thân ở thôn Nguyên Xuân lo lắng, nếu tình trạng này kéo dài thì lượng mía của 47 hộ dân trong thôn phải chờ cả tháng mới xong. Ông Thân cũng đã chặt khoảng 3 xe mía, tất tả chạy ngược xuôi nhưng vẫn không tìm được phương tiện vận chuyển.
SẼ MUA HẾT MÍA NGUYÊN LIỆU
Ông R. Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết, công ty đã thông báo ngưng vụ ép 2010-2011 tại Nhà máy đường Sơn Hòa với công suất 5.000 tấn/ngày vào ngày 25/6. Hiện tại mía nguyên liệu của Sơn Hòa còn khoảng 15.000 tấn (tương đương 250ha), công ty đảm bảo mua hết mía của nông dân trước khi kết thúc vụ. Nếu mía tồn đọng thì sẽ vận chuyển về Nhà máy đường Đồng Xuân có công suất 1.000 tấn/ngày để ép. Tuy nhiên, theo ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, lượng mía còn khá lớn, ước trên dưới 500ha (tương đương từ 25.000-30.000 tấn), nhiều nhất là ở các xã Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định và khu vực thôn Nguyên Xuân, xã Suối Bạc. Bên cạnh việc đề nghị các địa phương đôn đốc bà con thu hoạch dứt điểm, Ban Điều hành mía đường của huyện sẽ đề nghị Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam kéo dài thời gian ép ít nhất đến cuối tháng 6 này. Còn ông Nguyễn Văn Tri, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, toàn huyện có hơn 3.300ha mía, hiện còn khoảng 110ha đứng tại ruộng, chủ yếu là ở hai xã Xuân Phước và Đa Lộc. Ngành Nông nghiệp huyện Đồng Xuân đôn đốc bà con thu hoạch dứt điểm, kết thúc vụ mùa vào cuối tháng 6.
Ông R. Subbaiah quả quyết, trước khi thông báo kết thúc hẳn niên vụ mía 2010-2011, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam làm việc với các xã thuộc vùng nguyên liệu ký biên bản xác nhận nông dân trên địa bàn không còn mía nữa thì nhà máy mới dừng hoạt động. Dự kiến phải đến ngày 5/7, Nhà máy đường Đồng Xuân mới dừng hoạt động, kết thúc niên vụ mía 2010-2011, tuy nhiên còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Nếu trời mưa, việc vận chuyển khó khăn, phải chờ đường khô ráo mới vận chuyển được thì vụ ép sẽ kéo dài.
HOÀI