Các ngành chức năng đang tập trung thực hiện bình ổn giá cả thị trường theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Ðể thực hiện hiệu quả việc này cần có thêm những biện pháp bảo vệ người tiêu dùng nông thôn.
Hàng hóa bày bán tại một chợ xổm ở xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) - Ảnh: H.XUÂN |
Do cách xa cơ sở sản xuất, không thuận lợi trong việc vận chuyển, phân phối hàng hóa nên các sản phẩm tại thị trường nông thôn luôn cao hơn các nơi khác 10-15%. Bà Trần Thị Trớt ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa cho biết: “Mấy tuần gần đây, giá các loại sản phẩm đều tăng: gạo thường tháng trước mua 7.000 đồng/kg, nay lên 11.000 đồng/kg; một lít dầu ăn lúc trước có giá 31.000 đồng, nay tăng lên gần 40.000 đồng… làm cuộc sống người dân thêm khó khăn”.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp ở tỉnh vẫn chưa có kênh phân phối hàng hóa chính thức nên khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều đầu mối trung gian. Trong khi đó, việc tập trung hàng hóa bình ổn giá cả thị trường phần lớn được triển khai ở các siêu thị, các cửa hàng tại khu vực thành phố, thị trấn. Lâu nay, một kênh bình ổn giá hữu hiệu là các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Tuy nhiên, các chương trình này chỉ được triển khai theo thời điểm nhất định, thời gian thực hiện ngắn và thường không quá 3 lần/năm.
Tại các vùng nông thôn đang nở rộ hình thức bán hàng đa cấp. Đây là cách kinh doanh phổ biến của các công ty tư nhân thông qua đội ngũ tiếp thị viên sử dụng xe gắn máy chở sản phẩm đến từng nhà để mời chào. Tuy nhiên, trong quá trình mời chào này, không ít các tiếp thị viên “trà trộn” những sản phẩm không phải hàng chính hãng để bán với giá thấp hơn sản phẩm chính hãng 20-30%, lại kèm theo phiếu rút thăm trúng thưởng… nên thu hút đông người tiêu dùng. Bà Lê Thị Thơ ở xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa kể: “Hôm nọ, thấy bộ bếp gas đẹp, rẻ nên tôi mua với giá gần 500.000 đồng từ một người đi bán dạo. Nhưng xài chưa được hai tháng thì bếp hư. Tôi tìm mọi cách liên lạc nhân viên tiếp thị và cơ sở sản xuất ghi trên bao bì đều không được”.
Hiện nay, ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn, hầu hết các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ đều chưa có đội ngũ nhân viên tư vấn thông tin cho khách hàng về giá cả, chất lượng, mẫu mã, xuất xứ hàng hóa… thường xuyên, kịp thời. Thậm chí, nhiều đường dây nóng do doanh nghiệp lập ra để tư vấn cho khách hàng qua điện thoại cũng hay bị gián đoạn và hoạt động kém hiệu quả. Ông Phạm Đình Thi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Hiện nay, việc kiểm soát thị trường vùng nông thôn rất khó khăn, phức tạp do địa bàn rộng trong khi lực lượng lại mỏng. Để thực hiện tốt việc bình ổn giá cả thị trường, các đơn vị đã không ngừng bám sát cơ sở, vận động, khuyến cáo người dân không nên mua hàng từ các cá nhân, tổ chức không rõ lai lịch. Khi phát hiện các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực thương mại phải báo ngay với các đơn vị quản lý thị trường tuyến huyện để kịp thời xử lý”.
HOÀNG XUÂN