Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chọn 20 xã thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, một số xã đã xây dựng xong đồ án quy hoạch và đang trình cấp trên thẩm định phê duyệt. Tuy nhiên, nhìn chung việc tổ chức thực hiện còn chậm so với kế hoạch.
Đầu tư giao thông, một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh: H.NAM |
Để xây dựng nông thôn mới, trước mắt mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn một xã tiến hành khẩn trương quy hoạch. Điều đáng nói là việc đánh giá hiện trạng xây dựng nông thôn mới, công tác lập đồ án quy hoạch ở một số địa phương chưa thực hiện đúng trình tự như hướng dẫn, nên chưa sát thực tế.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai lập đồ án quy hoạch chậm là do chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Huy Toàn, Phó Phòng Quy hoạch kiến trúc (Sở Xây dựng), trong quá trình tổ chức lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, hầu hết các địa phương chưa xác định công trình nào cần phải đầu tư xây dựng trước. Vì thế một số xã xây dựng đồ án chưa bảo đảm đúng theo quy định về nội dung, trình tự, chưa lấy ý kiến của nhân dân về nội dung nhiệm vụ quy hoạch. “Vấn đề quan trọng nhất trong quá trình lập quy hoạch nông thôn mới là người dân phải được tham gia ngay từ đầu; cán bộ xã, thôn, làng phải chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn”, ông Toàn nhấn mạnh.
Còn theo ông Đặng Thái Lành, Phó chánh Văn phòng Ban điều phối Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Phú Yên, nhiệm vụ chính trong chương trình xây dựng nông thôn mới là của cơ sở. Quy hoạch nông thôn mới là loại quy hoạch tổng thể, lồng ghép của 3 loại quy hoạch gồm: quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất, hàng hóa tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc…
Ông Lành phân tích: “Việc xác định mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật trong các điểm dân cư cũ và mới phải xác định rõ diện tích cụ thể và vị trí kèm theo. Còn đối với phân vùng khu vực sản xuất nông nghiệp phải quy hoạch theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh lúa, chuyên canh màu, kết hợp lúa và màu, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với hệ thống hạ tầng kỹ thuật”.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong quý 2/2011, các địa phương phải hoàn thành việc lập quy hoạch nông thôn mới cấp xã ở 20 xã điểm. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các xã điểm chỉ mới đang tiến hành khâu đánh giá hiện trạng, lập đề cương cho công tác lập quy hoạch; thậm chí có xã còn chưa đánh giá xong hiện trạng thực tế. Xã An Mỹ (huyện Tuy An) Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) là hai xã được chọn làm điểm, có điều kiện thuận lợi hơn nhiều xã khác, nhưng đến nay vẫn chưa lập xong đồ án quy hoạch. Một khó khăn khác qua phản ánh của các huyện là một số xã thiếu bản đồ nền. Vì thế, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện để cho các xã có bản đồ để sớm hoàn thành công tác quy hoạch trong năm 2011.
MẠNH HOÀI