Tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tăng 2,21% so với tháng trước, nhưng Phú Yên chỉ tăng ở mức 1,88% là mức tăng thấp nhất so với những tháng đầu năm vừa qua. Như vậy, so với mức tăng 4,31% của tháng 4 thì tốc độ tăng CPI trong tháng 5 của tỉnh đã bắt đầu chậm lại. Ðây được coi là tín hiệu tích cực trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, CPI liên tục tăng cao và điều này cũng chứng tỏ các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã phát huy tác dụng.
Trong tháng 5, ngoài nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có tốc độ tăng giá cao hơn tháng 4, còn hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ đều tăng chậm lại, thậm chí có một nhóm hàng giảm như may mặc, mũ nón, giày dép hoặc bưu chính viễn thông. Nếu như trong tháng 4, nhóm giao thông có mức tăng giá 6,33% thì tháng 5 chỉ tăng 2,59%. Tuy nhiên CPI giảm mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với mức tăng 1,09% thay cho mức tăng 5,85% của tháng 4; trong đó, nhóm lương thực, thực phẩm có mức tăng giá từ 5,86% xuống còn 1,31% và ăn uống ngoài gia đình từ 4,53% xuống còn 1,8%, do thực phẩm chỉ tăng 1,31% nhờ nguồn cung thủy sản dồi dào và vào mùa thu hoạch đậu các loại. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là nhóm chiếm tỉ trọng lớn nhất trong “rổ” hàng hóa, dịch vụ tính CPI, nên với mức tăng trong tháng 5 chỉ bằng từ một phần tư so với tháng 4, đã “kéo” CPI nói chung của tháng 5 ở tỉnh ta tăng chậm lại.
Theo Cục Thống kê tỉnh, mặc dù CPI tháng 5 đã giảm gần một phần ba so với các tháng trước, nhưng đây vẫn là mức tăng khá cao so với các tháng 5 của những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 5 này vẫn còn ở mức cao là do các nhóm hàng hóa thiết yếu tiếp tục tăng giá. Với điện sinh hoạt tăng 30,77%, giá gas, giá xi-măng, dầu hỏa tăng hơn 5% và mức lương cơ bản tăng từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng trong tháng 5, kéo theo mức thu bảo hiểm y tế tăng 13,7% và hàng hóa, dịch vụ cũng tăng 1,63%. Thêm vào đó, các tác động có độ trễ của hai đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp trong tháng 2, tháng 3 và tăng giá điện trong tháng 3 đã khiến giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường tiếp tục tăng. Chưa kể việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, với lãi suất ở mức cao, làm tăng chi phí sản xuất, tạo sức ép tăng giá hàng hóa, dịch vụ...
Tốc độ tăng CPI của tháng 5 tuy đã chậm lại nhưng tính chung CPI trong 5 tháng qua của tỉnh ta đã tăng tới 13,19% và tăng 24,34% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số này đều cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Nếu trước đây, giá cả hàng hóa, dịch vụ của tỉnh ta tương đối rẻ so với nhiều nơi thì với sự thực phẩm tăng 27,47%, ăn uống ngoài gia đình tăng 32,87%, hàng hóa, dịch vụ khác tăng 17,05% trong 5 tháng qua đã cho thấy mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ ở tỉnh ta đã tiệm cận với bằng chung của cả nước. Đây cũng là thách thức đặt ra cho các ban, ngành, doanh nghiệp phải tiếp tục nỗ lực tăng cường các biện pháp tiết kiệm sản xuất, bình ổn giá cả thị trường góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
MAI ANH