Thứ Tư, 27/11/2024 01:26 SA
Du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ:
Hành trình khám phá văn hóa biển
Chủ Nhật, 29/05/2011 07:40 SA

Duyên hải Nam Trung Bộ kéo dài từ TP Ðà Nẵng đến Bình Thuận, là phần đất trên dải đất hình chữ S có nhiều nơi vươn ra biển đón ánh bình minh… Với thế đất như vậy, trên thế giới thường thấy là “giao điểm động”, là nơi gặp gỡ của các luồng văn hóa, nền văn minh.

 

nhat-tu-son110529.jpg

Một góc đảo Nhất Tự Sơn trên vịnh Xuân Đài. - Ảnh: T.QUỚI

 

TỪ GÓC NHÌN LỊCH SỬ

 

Từ cách đây hơn 4 thế kỷ, vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ đã xuất hiện các thương cảng, nơi giao thương với những tàu thuyền đến từ Bồ Đào Nha và các nước châu Âu. Các “bến đỗ” trong hành trình của người Bồ Đào Nha trên lãnh hải Việt Nam có thể kể đến như: Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nước Mặn (tỉnh Bình Định), Hội An, Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam). Vài thập niên trở lại đây, người ta đã phát hiện khá nhiều tàu buôn có niên đại cách nay 300-400 năm bị chìm trên vùng biển Nam Trung Bộ. Ở những vùng biển khác, điều này gần như rất ít, thậm chí không có.

 

Vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ xưa là vương quốc Chămpa của người Chăm. Người Chăm vốn có truyền thống đi biển. Biển đã trở thành con đường giao lưu hàng hóa và văn hóa, đưa Chămpa đến với thế giới bên ngoài. Từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất, tàu thuyền của người Chăm đã vượt đại dương đến những vùng đất xa xôi, tiếp cận với nhiều nền văn minh rực rỡ bên ngoài. Chính sự tiếp thu đó giúp Chămpa trong thời gian ngắn đã có bước phát triển vượt bậc, để lại những di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Trong đó nổi bật là Thánh địa Mỹ Sơn, một trong những địa chỉ quan trọng kết nối, hình thành “Con đường di sản thế giới miền Trung”…

 

Trong quá trình di cư từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vào Nam Trung Bộ, người Việt phải “giáp mặt với biển”, dựa vào biển và sống trên biển. Biển trở thành “đại lộ” giúp họ giao lưu với bên ngoài, đồng thời trở thành những điểm đến hấp dẫn của thuyền buôn ngoại quốc.

 

Trên nền văn hóa biển của cư dân bản địa sinh sống trước đó với những tập tục, tín ngưỡng phù hợp với phong thổ bản địa, lưu dân Việt tiếp xúc và đã diễn ra quá trình tiếp biến văn hóa. Một mặt, chính cuộc sống gắn với biển, nghề nghiệp khai thác nguồn lợi biển; mặt khác chính tầng văn hóa biển trầm tích bản địa đã sớm tạo cho cư dân Việt vùng duyên hải Nam Trung Bộ định hình những yếu tố văn hóa biển trên cơ sở đó phát triển văn hóa biển.

 

VÙNG ÐẤT GIÀU TIỀM NĂNG DU LỊCH BIỂN

 

Nam Trung Bộ là vùng đất giàu tài nguyên du lịch biển vào hàng bậc nhất của cả nước. Bên cạnh đó, vốn văn hóa biển lâu đời, có nhiều nét độc đáo là những điều kiện để khai thác và giới thiệu với du khách. Văn hóa biển Nam Trung Bộ không chỉ là những yếu tố của tín ngưỡng, lễ nghi, của lễ hội nghinh Ông, lễ hội cầu ngư, Thủy Long thần nữ… mà còn là tập tục, nếp sống, sinh hoạt, lao động sản xuất… của những vạn chài, làng chài, phố chài.

 

Suốt dọc miền duyên hải Nam Trung Bộ, từ sau tết Nguyên đán cho đến quá giữa năm, du khách có thể tham quan những lễ hội độc đáo, đậm chất văn hóa biển. Mỗi vùng đất từ Đà Nẵng đến Bình Thuận vẫn bảo tồn nhiều lễ hội cộng đồng của cư dân các ngành nghề, trong đó nổi bật là lễ cầu ngư, các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, các trò chơi sôi động, hấp dẫn như hát bội, bài chòi, hát hò khoan đối đáp, đua thuyền, đấu vật, thi nấu cơm, làm bánh… thu hút hàng ngàn người tham dự.

 

Chúng ta vẫn thường quan tâm, giới thiệu và tự hào về những nét đẹp truyền thống, thái độ ứng xử nhân văn của ngư dân trước biển (đối với các loại sinh vật biển, với bạn xưa lái cũ)… nhưng chưa có địa phương nào tổ chức để khách du lịch trong nước và quốc tế được nhìn tận mắt nghi thức nghinh cúng Ông (thần cá voi), nghinh cúng Bà (Thủy Long thần nữ) trên biển. “Phố chài” Nam Trung Bộ tuy không nhiều nhưng đã thể hiện sự sinh động của quá trình đô thị hóa cũng như sự chuyển đổi văn hóa, xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà ở đó tập tục, truyền thống không những được duy trì mà còn có sự dày công tìm tòi, phục dựng. Xác định chiến lược phát triển kinh tế biển, xây dựng nền kinh tế biển (tương xứng với tiềm năng biển) Việt Nam thế kỷ XXI không thể không quan tâm đến văn hóa biển một cách thực tế. 

 

Nếu như ở miền Tây Nam Bộ, thế mạnh nổi bật trở thành nguồn lực độc đáo để phát triển du lịch là du lịch sinh thái miệt vườn cùng văn minh sông nước, thì trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ, sự độc đáo riêng có sức hấp dẫn khách du lịch là hành trình đến với loại hình văn hóa biển. Vấn đề là các sản phẩm du lịch biển phải được quy hoạch trên một tổng thể chung ở quy mô cấp vùng, miền. Từ những nét tương đồng, văn hóa biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ mỗi địa phương cần quan tâm đầu tư, khai thác nét riêng để tạo thành chuỗi địa chỉ độc đáo, hấp dẫn, riêng có trong hành trình khám phá văn hóa biển Nam Trung Bộ.

 

Duyên hải Nam Trung Bộ, một dải đất hẹp và đẹp nằm trên trục giao thông có đầy đủ các loại hình hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để du lịch biển, đảo, hành trình khám phá văn hóa biển trở thành thế mạnh, nguồn lực phát triển của vùng. Hành trình khám phá văn hóa biển sẽ làm phong phú thêm “Con đường di sản miền Trung”, góp phần làm phong phú hơn sản phẩm du lịch của dải đất duyên hải Nam Trung Bộ.

 

Tiến sĩ ĐINH VĂN HẠNH

(Phân viện VHNT Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh)

TRẦN QUỚI (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hỗ trợ nhau cùng phát triển
Thứ Bảy, 28/05/2011 19:00 CH
Khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm
Thứ Bảy, 28/05/2011 14:15 CH
Giúp hợp tác xã vượt khó
Thứ Bảy, 28/05/2011 10:30 SA
Ðàn heo của tỉnh giảm hơn 5%
Thứ Bảy, 28/05/2011 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek