Theo quy định của UBND tỉnh, các dự án đầu tư tại Phú Yên phải ký quỹ đầu tư nhằm đảm bảo dự án được triển khai. Tuy vậy, chủ trương này lại chưa được thực hiện nghiêm, còn có những bất cập nên cần sửa đổi, điều chỉnh.
Thực hiện ký quỹ đầu tư sẽ giúp các dự án đầu tư tại Phú Yên được triển khai. Trong ảnh: Xây dựng đập tràn nhà máy thủy điện La Hiêng 2. - Ảnh: H.TRUNG
NHIỀU DỰ ÁN CHẬM HOẶC KHÔNG KÝ QUỸ ĐẦU TƯ
Theo thống kê, toàn tỉnh có 27 dự án đầu tư đã có thông báo ký quỹ với tổng số tiền phải nộp gần 27,7 tỉ đồng, nhưng chủ đầu tư không chịu thực hiện. Trong số này có 12 dự án đã có thông báo từ năm 2008, 7 dự án từ năm 2009; điển hình là các dự án Trường đại học Việt Á của Công ty TNHH tư vấn và đầu tư Viễn Đông Việt, khu nghỉ mát sinh thái Green Resort của Công ty cổ phần Long Vân Hai Tám; dự án khai thác mỏ Diatomit, sản xuất bột trợ lọc của Công ty TNHH một thành viên khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản Khánh Hòa. Ngoài ra còn có 18 dự án khác đã có thông báo của UBND tỉnh cho phép lập thủ tục chuẩn bị đầu tư nhưng các doanh nghiệp, đơn vị chưa đến Sở Tài chính làm thủ tục ký quỹ như quyết định của tỉnh. Theo Sở Tài chính, việc ký quỹ nhằm đảm bảo các dự án đầu tư được triển khai thực hiện. Nếu dự án khởi động, đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư được tỉnh trả lại tiền ký quỹ. Thời gian qua, tỉnh đã hoàn lại 100% tiền ký quỹ cho 17 dự án, 50% tiền ký quỹ cho 4 dự án khác.
Trong khi số đông dự án đầu tư tại Phú Yên thực hiện ký quỹ thì cũng có nhiều dự án không chấp hành quyết định của tỉnh. Sở Tài chính cho biết: các trường hợp này rơi vào các dự án “treo”, nhà đầu tư không có khả năng tài chính hoặc đăng ký dự án để “xí chỗ” chờ thời cơ sang nhượng. Thế nhưng, việc quản lý, đôn đốc để đảm bảo việc thực hiện ký quỹ của các dự án thời gian qua còn lỏng lẻo.
CẦN ÐIỀU CHỈNH
Ông Nguyễn Tài, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: theo quy định của UBND tỉnh, cơ sở để tính mức thu tiền ký quỹ đầu tư của dự án căn cứ vào suất đầu tư chuẩn của từng ngành. Tuy nhiên quyết định của tỉnh chưa quy định suất đầu tư cho tất cả các ngành nghề; một số ngành như giao thông, thủy điện, khai thác khoáng sản, nông nghiệp... chưa quy định suất đầu tư nên những dự án thuộc các lĩnh vực này rất khó tính toán mức thu tiền ký quỹ. Cũng theo quy định của tỉnh thì Sở Tài chính căn cứ vào thông báo cho phép lập thủ tục chuẩn bị đầu tư của UBND tỉnh để làm thủ tục thu tiền ký quỹ dự án. Tuy nhiên, trong nội dung một số thông báo của UBND tỉnh không ghi rõ tổng diện tích đất giao cho nhà đầu tư sử dụng cho nên không có cơ sở xác định tổng mức đầu tư chuẩn để tính mức thu tiền ký quỹ. Theo quy định các dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách nhà nước được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải nộp tiền ký quỹ đầu tư. Thế nhưng với những dự án chủ đầu tư chọn hình thức nộp đủ tiền sử dụng đất một lần theo quy định (không nộp tiền thuê đất hàng năm) lại phải nộp tiền ký quỹ đầu tư nên nhiều nhà đầu tư không đồng ý. Ngoài ra tỉnh chỉ quy định mức độ hoàn thành của dự án để hoàn trả tiền ký quỹ nhưng không cơ quan nào chịu trách nhiệm thẩm định mức độ hoàn thành dự án và thủ tục hồ sơ hoàn trả để Sở Tài chính có căn cứ trả lại tiền ký quỹ đầu tư.
Theo Sở Tài chính, việc thực hiện ký quỹ đầu tư trong thời gian qua còn bất cập, khi các cơ quan chức năng của tỉnh thiếu theo dõi, kiểm tra, đôn đốc cũng như không tổ chức thực hiện nghiêm túc các thông báo về chủ trương đầu tư, quy định về ký quỹ đầu tư hoặc chưa tích cực giải quyết cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư dẫn đến việc nhiều dự án chậm triển khai hoặc quá thời hạn triển khai nhưng các cơ quan chức năng không kịp thời đôn đốc, nhắc nhở. Tỉnh cũng chưa có biện pháp thu hồi chủ trương đầu tư các dự án chậm hoặc không nộp tiền ký quỹ. Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập này, Sở Tài chính cho biết: đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan yêu cầu chủ đầu tư thực hiện ký quỹ trước khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết các thủ tục đầu tư tiếp theo.
THANH HOÀI