Nhiều năm lăn lộn với nghề sản xuất tôm giống ở Phú Yên, hiện nay ông Kiều Công Phận được nhiều người biết đến với nghề sản xuất tu hài giống và nuôi thương phẩm.
Ông Kiều Công Phận (bên trái) đang tiếp khách hàng đến mua tu hài giống - Ảnh: A.NGỌC |
Năm 2005-2006, ông Kiều Công Phận đã khăn gói, cất công ra tận Quảng Ninh, Hải Phòng tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất giống và kỹ thuật nuôi tu hài thương phẩm để về Phú Yên phát triển đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao này. Sau khi trở về, ông đã mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất giống tu hài. Những năm đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông đã thất bại vài lần, nhưng không hề nản chí.
Năm 2007, ông Phận thuê hẳn cán bộ kỹ thuật của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I từ Quảng Ninh về cùng ăn, cùng ở, cùng làm tại cơ sở sản xuất giống của mình để thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất giống tu hài tại Phú Yên. Nhờ đó mà cơ sở của ông đã sản xuất được số lượng lớn giống tu hài đạt tiêu chuẩn chất lượng, mỗi năm từ 1,5-2 triệu con giống. Lúc đầu giống tu hài sản xuất ra chủ yếu cung cấp cho các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Thời gian sau, cơ sở của ông Phận còn cung cấp con giống cho bà con trong tỉnh thả nuôi tu hài thương phẩm. Ông Phận cho biết: “Những đợt sản xuất giống tu hài đạt yêu cầu thì thu lãi khoảng 70-80% so với chi phí. Để sản xuất thành công giống tu hài ngoài nắm chắc quy trình công nghệ thì việc chọn được tu hài bố mẹ có chất lượng là hết sức quan trọng. Tu hài thương phẩm phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc, loại 20 con/kg giá trên 200.000 đồng/kg.
Không chỉ sản xuất giống tu hài, ông Phận đã mạnh dạn đầu tư nuôi tu hài thương phẩm. Năm 2010, ông thả nuôi gần 70.000 con tại đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu). Qua 10 tháng thả nuôi, tu hài đạt 6-6,5cm/con, tương đương 20-25 con/kg, tỉ lệ sống đạt trên 90%. Ông Phận còn nuôi tu hài thương phẩm tại vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa). Ông đã rút ra những kinh nghiệm quý báu: Khâu quan trọng đầu tiên là phải chọn được giống tốt từ những cơ sở có uy tín. Định kỳ mỗi tháng nên kéo lồng nuôi lên 2 lần để kiểm tra, loại bỏ hết vật lạ trong lồng. Nếu phát hiện có xác tu hài chết và cát có màu đen thì thay cát toàn bộ trong lồng (khay) nuôi. Vào mùa mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khu vực nuôi nhiều làm độ mặn thay đổi, ảnh hưởng đến môi trường sống của tu hài thì thả dây treo lồng (khay) xuống sâu nơi có độ mặn thích hợp để duy trì qua mùa mưa. Kiểm tra sinh trưởng 1 lần/tháng, lấy ngẫu nhiên 3 lồng nuôi treo, đếm số con còn lại đo tính chiều dài, rộng, cao và tính tỉ lệ sống so với lần kiểm tra trước; từ hai tháng nuôi trở đi cần thêm cát vào lồng đến khi thu hoạch thì cát cách mặt lồng 5cm là đủ. Khi tu hài đạt cỡ 50gr/con trở lên có thể thu hoạch và bán theo nhu cầu của thị trường. Tu hài được rửa sạch bằng nước biển, bảo quản tươi sống vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
NGUYỄN KHẮC TÂN