Từ tháng Giêng đến nay rau câu xuất hiện khá dày ở đầm Ô Loan. Ðầu vụ, mỗi ngày người dân ở khu vực này vớt khoảng 1,5 tấn rau câu tươi, bán cho các đại lý tại địa phương với giá 6.000-7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều hộ đầu tư hàng chục triệu đồng nuôi tôm, nhưng chỉ thu hoạch… rau câu.
Ông Nguyễn Hưng ở xã An Cư thả nuôi 10 vạn con tôm giống nhưng thu hoạch... rau câu - Ảnh: H.NAM |
Những ngày này, người dân các xã ven đầm đi vớt mót rau câu cuối vụ, mỗi ngày được 20-25kg, giá bán 6.000-7.000 đồng/kg rau câu tươi, thu nhập khoảng 150.000 đồng. Theo nhiều người dân sống quanh đầm, sau 3 năm qua “vắng bóng”, năm nay rau câu xuất hiện trở lại với mật độ khá dày. Các hộ dân sống quanh đầm có thể thu hoạch từ 1,2-1,6 tấn rau câu tươi mỗi ngày. Tuy nhiên, khi rau câu xuất hiện thì rong tảo, rong giẻ cũng bám từng mảng lớn, đối với người nuôi tôm đây là một trở ngại vì tốn nhiều công tảo hồ khi chuẩn bị bước vào vụ nuôi.
Rau câu xuất hiện cũng kèm theo hệ lụy đó là nước đầm ô nhiễm. Anh Nguyễn Thanh Hải, ở xã An Ninh Đông, cho biết: “Bơi sõng ra giữa đầm, chịu khó ngụp lặn, từ sáng đến trưa tôi kiếm gần 300.000 đồng từ vớt rau câu, tuy nhiên chiều về khắp người nổi mẩn ngứa. Khu vực nào ô nhiễm thì rau câu xuất hiện nhiều”. Thời gian qua có rất nhiều người ở Hải Phòng vào đặt hàng với các đại lý ở địa phương để mua rau câu số lượng lớn. Từ tháng Giêng đến nay chỉ tính riêng đại lý chị Thu đã xuất gần 30 tấn rau câu khô thành phẩm.
Việc rau câu xuất hiện báo động tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước đầm Ô Loan đối với người nuôi tôm. Ông Nguyễn Hưng, năm nay 74 tuổi, một người nuôi tôm ở xã An Cư than vãn: “Tôi nuôi tôm nhưng lại thu hoạch… rau câu. Đợt 1 thả hơn 10 vạn con giống, chưa đầy tháng, tôm trồi đầu lên. Hồ bỏ hoang, chỉ thỉnh thoảng ra vớt rau câu, mỗi đợt vớt kiếm 200.000-250.000 đồng”. Theo ghi nhận của chúng tôi, ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề nóng bỏng hiện nay ở đầm Ô Loan. Tại điểm đầu cầu Long Phú, thôn Phú Tân (xã An Cư), các điểm sơ chế sứa thủ công được các đại lý đặt ngay bờ đầm với một đội ngũ công nhân đánh bợn (chất nhờn), đánh phèn cho con sứa săn chắc. Các chất thải đổ ngay tại đầm bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Còn các điểm tập kết vỏ sò, hàu đổ vương vãi xuống mặt nước thối rữa.
Ông Phạm Đăng Tĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Cư, cho biết: “Năm nay ngư dân địa phương được “hưởng lộc” từ đầm hết mùa sứa, con cháy đến rau câu xuất hiện, nhiều gia đình có thu nhập khá. Tuy nhiên bên cạnh đó mức độ ô nhiễm môi trường cũng báo động vì hiện tại nhiều hộ nuôi tôm thất bại do ô nhiễm nguồn nước, tôm chết hàng loạt.
MẠNH HOÀI