Thứ Tư, 27/11/2024 19:26 CH
Phát triển nguồn nhân lực - điểm mấu chốt phát triển du lịch văn hóa
Chủ Nhật, 08/05/2011 18:00 CH

Thời gian qua, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng Nam Trung Bộ đã được quan tâm bảo tồn. Nhưng việc phát huy giá trị các di sản chưa được đẩy mạnh, nhất là trong phục vụ phát triển du lịch. Thực trạng đó do nguồn nhân lực văn hóa, du lịch chưa đủ, chưa đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu. Bởi vậy phát triển nguồn nhân lực mang tính quyết định để thúc đẩy du lịch khu vực này phát triển nhanh và bền vững.

 

Hoc-nau110508.jpg

Nhân viên một khách sạn ở TP Tuy Hòa học chế biến thức ăn - Ảnh: M.NGUYỆT

 

Để đẩy mạnh công tác đào tạo phát triển nhân lực văn hóa, du lịch cho vùng Nam Trung Bộ, cần trả lời cho được 5 câu hỏi lớn: Những nhiệm vụ gì cần phải làm trong đào tạo phát triển nhân lực văn hóa, du lịch của vùng? Đào tạo bao nhiêu và cho ai? Đào tạo những gì? Cần phấn đấu phát triển nhân lực đạt tới mục tiêu, chuẩn mực nào? Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân lực bằng cách nào?

 

Để trả lời câu hỏi thứ nhất, các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ cần tiến hành bốn nhiệm vụ chủ yếu như: nắm lại và đánh giá đúng nguồn nhân lực của mình để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đúng, trúng và phù hợp; tạo môi trường thuận lợi cho đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực văn hóa, du lịch; từng bước tiêu chuẩn hóa nhân lực văn hóa, du lịch ở các lĩnh vực, ngành nghề theo yêu cầu thực tế phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, vươn lên đạt tiêu chuẩn quốc tế: đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân lực để tăng cường huy động được nhiều nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đó cho công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực văn hóa, du lịch. 

 

Trả lời câu hỏi thứ hai, theo tôi, những ai tham gia vào hoạt động văn hóa, du lịch của địa phương, dù là gián tiếp hay trực tiếp, đều phải được đào tạo, bồi dưỡng. Nhưng do nguồn lực có hạn, trước tiên cần ưu tiên đào tạo cho công chức của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch và lao động quản lý tại các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp có thu; đồng thời phải chú trọng đào tạo cho lao động nghiệp vụ, nhất là lao động có tay nghề cao, gồm các chức danh cụ thể là những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, nhân viên lễ tân, nhân viên phục vụ buồng, nhân viên phục vụ bàn, bar, đầu bếp, hướng dẫn viên du lịch và thuyết minh viên, nhân viên lữ hành, nhân viên làm đại lý du lịch…

 

Đối với câu hỏi thứ ba, thật không khó trả lời. Trong bối cảnh hội nhập sâu và toàn diện như hiện nay, những điều cần trang bị cho đội ngũ làm du lịch là kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng du lịch, ngoại ngữ và tin học. Theo tôi, mục tiêu đào tạo bồi dưỡng phát triển nhân lực văn hóa, du lịch của vùng Nam Trung Bộ là phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động văn hóa, du lịch có trình độ và kỹ năng nghiệp vụ, phẩm chất vững vàng, đáp ứng yêu cầu phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và du lịch. Đến năm 2015, có 100% cán bộ, công chức quản lý văn hóa, du lịch từ cấp tỉnh đến cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về văn hóa, du lịch; 70-80% lao động tác nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học phù hợp với vị trí công tác. Đến năm 2020 các chỉ tiêu nêu trên đạt từ 90-100%.

 

Làm thế nào để đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, du lịch đáp ứng được yêu cầu thực tế? Đây là một câu hỏi khó. Thông qua sự phối hợp liên ngành, địa phương thường xuyên, cần tiến hành đồng bộ 6 giải pháp cơ bản sau: Xây dựng thông tin dữ liệu về nhân lực văn hóa, du lịch. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách và quy chế quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực văn hóa, du lịch, chế độ đãi ngộ nhân tài và quy định về lương, thưởng phù hợp, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Tiêu chuẩn hóa nguồn nhân lực văn hóa, du lịch. Xã hội hóa mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển văn hóa, du lịch. Tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để thu hút vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển nguồn nhân lực văn hóa, du lịch của địa phương. Đẩy mạnh giáo dục cộng đồng trong phát triển nhân lực văn hóa, du lịch.

 

Một cách làm rất cần thiết từ thực tế là vừa đào tạo cơ bản trong các cơ sở đào tạo tại địa phương vừa đào tạo theo cách truyền nghề. Cần thiết phải có một kế hoạch hành động chung về đào tạo nguồn nhân lực, đây là một trong những điểm mấu chốt để các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có thể làm tốt việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch nhanh và bền vững.

 

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN LƯU

(Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch)

TRẦN QUỚI (ghi)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek