Thứ Hai, 30/09/2024 10:40 SA
Người nuôi bò với nỗi lo vỡ nợ
Thứ Năm, 21/09/2006 08:21 SA

Vài năm gần đây, hầu hết nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, dự án cho vay hộ nghèo ở Phú Yên tập trung đầu tư vào chăn nuôi bò. Phong trào này đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhưng cũng có không ít hộ nghèo đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ bởi sự rớt giá và hậu quả từ dịch lở mồm long móng.

 

060921-bo.jpg

Nhiều người chăn nuôi bò đang đứng trước nỗi lo vỡ nợ vì dịch bệnh và giá bò ngày càng giảm 

 

NGƯỜI NGHÈO LẠI GẶP KHÓ

 

Đưa bàn tay vuốt ve con bò cái lai sind, anh Trần Văn Thanh ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) thở dài: “Trong khi giá bò càng ngày càng giảm, tôi chưa biết phải tính làm sao thì dịch lở mồm long móng lại tới”. Mới đây 2 trong số 3 con bò của gia đình anh Thanh có dấu hiệu lở mồm long móng, hai vợ chồng anh lại thất thỏm đứng ngồi không yên. Cán bộ thú y huyện bảo gì làm nấy, nào là tiêu độc, sát trùng, không thả con bị bệnh chung sống với đàn… “Cũng may bệnh khống chế được không lây lan ra cả đàn chứ không coi như mất trắng, không biết bao giờ mới trả hết nợ” – anh Thanh nói. Đầu năm 2004, anh Thanh tham gia tổ vay vốn của Hội nông dân xã và được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Sơn Hoà cho vay 10 triệu đồng, anh Thanh bàn với vợ quyết định đầu tư mua mẹ con bò cái lai sind về nuôi gây thêm giống. Vừa nuôi được 4 tháng, giá bò giống lên vùn vụt, cứ cách vài ngày lái buôn lại tìm đến tận nhà trả giá 9 triệu đồng mỗi con nhưng anh Thanh quyết định không bán mà để gây dựng mở rộng đàn bò. Thế nhưng đúng vào lúc số lượng đàn bò của gia đình đang tăng lên thì giá bò lại giảm xuống. Hiện tại 7 con bò (trong đó có 4 con cái) bán hết giá cũng chỉ được 30 triệu đồng. “Cũng may là giá bò thịt vẫn còn cao nên tôi động viên vợ để 4 con bò đó lại cho sinh sản nuôi rồi bán bò thịt” – anh Thanh cười buồn bã.

 

Trường hợp như anh Thanh còn có lối ra, với những gia đình nghèo dồn hết vốn để nuôi bò mong có ngày thoát nghèo thì quả là một bi kịch. Gia đình anh Phạm Văn Huy, ở xã An Dân (huyện Tuy An) là một trong số đó. Anh Huy làm thuê bằng nghề phụ hồ xây dựng quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Năm 2004, được vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn xoá đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua một con bò cái với hy vọng sau ba năm đến hạn trả nợ ngân hàng sẽ dư ra một vài con nghé. Thế nhưng chưa kịp bán thì giá bò giảm, lại còn bị dịch lở mồm long móng. Lái buôn ép giá quá, anh Huy có bán đi cả 3 con cũng chỉ đủ tiền trả vốn đã vay. Thế là đành để vậy nuôi chứ bán với giá này thì lấy đâu ra tiền trả nợ.

 

Bà Hồ Thị Hương, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hoà cho biết: “Hiện dư nợ cho vay hai nguồn vốn giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo của chi nhánh đã trên 35 tỷ đồng với 5.900 lượt hộ vay, đa phần số vốn trên chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi bò. Đó là chưa kể đến số vốn nhận uỷ thác qua các hội đoàn thể cũng trên 32 tỷ đồng với 5.000 hộ vay. Một số hộ may mắn mua được con bò cái đang gần lúc sinh hoặc bán kịp thời  lúc bò đang có giá cao nên có cơ hội trả tiền vay khi đến hạn. Số hộ còn lại với tình trạng bán giá rẻ như hiện nay thì khó thu hồi vốn khi đến hạn”. Hiện tổng dư nợ cho vay hai nguồn vốn giải quyết việc làm và hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi bò xấp xỉ 150 tỷ đồng, tương đương 40.000 lượt hộ vay,

 

CUNG - CẦU BẤP BÊNH DO DỊCH BỆNH

 

Tại các “chợ bò” ở hai huyện Đông Hoà và Tây Hoà, vào thời điểm cuối năm 2004 đầu năm 2005 luôn tấp nập người lui tới. Thế nhưng khi chúng tôi đến, các điểm bán bò này rất vắng khách. Ghé vào “điểm mua bán bò” của ông Lê Nam ở xã Hoà Phú (huyện Tây Hòa), người có thâm niên buôn bán bò lâu nhất xã này tưởng chúng tôi là khách mua bò, nên hồ hởi giới thiệu: “Bò trại này đã tiêm vác xin hết rồi, bảo đảm không lây bệnh. Giá bò cái hiện nay cũng khá “mềm”, anh chọn con nào?”. Thất vọng khi biết chúng tôi không phải người mua bò, ông Nam quay ra than thở: “Giá bò giảm mấy tháng nay, việc buôn bán của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Trước đây, mỗi lần có bò về khoảng 30 con đủ loại từ bê, lai sind đến cò cỏ bán chỉ trong tuần là hết, còn bây giờ rất ế ẩm.

 

Giá bò giảm lại thêm dịch lở mồm long móng khiến cho không chỉ người trực tiếp chăn nuôi bò mà ngay cả cánh lái buôn cũng rơi vào tình cảnh khó khăn. Nuôi thì lo bị nhiễm dịch mà bán thì lỗ. Một cán bộ Phòng Kinh tế huyện Đông Hoà cho biết: “Nguyên nhân khiến giá bò rớt đi một nửa là do chương trình chăn nuôi bò tại nhiều địa phương trong tỉnh phát triển một cách ồ ạt. Bên cạch đó, việc các hộ dân đổ xô đi mua bò về nuôi thời gian qua cũng khiến cho giá bò tăng đột biến. Và khi cung đã vượt cầu thì giá bò giảm xuống như hiện nay cũng không có gì lạ”. Dù đến thời điểm này dịch lở mồm long móng ở Phú Yên đã được khống chế nhưng do tâm lý sợ tái phát dịch bệnh và giá bấp bênh kéo dài nên việc chăn nuôi và buôn bò vẫn còn trì trệ. Tìm một hướng ra cho hộ chăn nuôi bò đang là vấn đề làm đau đầu của các cấp chính quyền các địa phương.

 

NGUYỄN QUANG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek