Trước đây, mỗi khi thịt heo tăng giá là nhiều người tập trung đầu tư nuôi heo. Tuy nhiên, giá heo hơi trên thị trường hiện tăng lên 55.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay nhưng người chăn nuôi vẫn không mấy mặn mà. Nhiều gia đình còn giảm số lượng hoặc bỏ nuôi vì giá thức ăn liên tục tăng cao, giá đầu ra lại không ổn định, dịch bệnh ngày càng phức tạp hơn.
Người chăn nuôi chưa mạnh dạn tăng đàn vì giá thức ăn tăng cao. - Ảnh: T.HƯƠNG
Bắt đầu từ tháng 12/2010 đến cuối tháng 2 năm nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) bùng phát mạnh trên đàn gia súc của tỉnh. Lượng heo bị chết và heo phải bán tháo đi rất lớn. Dù dịch bệnh hiện đã lắng đi và giá thịt heo tăng cao nhưng đa số người chăn nuôi không còn mấy mặn mà với việc tăng nuôi hay gầy đàn nữa.
Theo nhiều người chăn nuôi heo ở phường 9 (TP Tuy Hòa), bệnh LMLM lây lan mạnh trong thời gian qua đã khiến đàn heo giống của nhiều hộ chăn nuôi bị mắc bệnh, không qua khỏi. Giờ muốn gầy lại đàn để nuôi, họ phải mua heo giống bên ngoài. Thời điểm này, giá heo hơi đã tăng lên gần 55.000 đồng/kg và mọi chi phí khác cũng liên tục tăng thì dù thịt heo có giá nhưng người chăn nuôi cũng không lãi được mấy. Bà Phan Thị Hòa ở thôn Liên Trì (phường 9, TP Tuy Hòa) cho biết: “Để giảm bớt chi phí, gia đình tôi đã nấu rượu, rồi lấy bã rượu làm thức ăn cho heo. Trung bình một lứa nuôi 4-5 tháng, với chi phí đầu vào còn thấp như trước kia, lúc xuất chuồng được giá thì mỗi con cho lãi 200.000-300.000 đồng. Nếu gặp lúc mất giá thì việc nuôi heo chỉ hòa vốn, thậm chí còn lỗ, đó là chưa kể đến những lúc không may, heo bị dịch bệnh. Giờ tôi chỉ nuôi một vài con để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong gia đình”. Còn ông Đặng Văn Lai ở thôn Liên Trì (phường 9, TP Tuy Hòa) nói: “Dù giá thịt heo có tăng cao, nhưng chúng tôi cũng chẳng mặn mà với nghề này nữa vì nuôi heo may ít rủi nhiều. Ngày càng có nhiều loại dịch bệnh xảy ra đối với heo mà việc phòng trừ dịch, điều trị ngày càng khó hơn. Chẳng những vậy, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi giá đầu ra lại bấp bênh”.
Tình trạng người chăn nuôi bỏ đàn trong thời điểm giá thịt heo đang tăng mạnh như hiện nay xảy ra ở hầu hết các địa phương đã từng nuôi heo nhiều như Phú Hòa, Tuy An… Bà Nguyễn Thị Kỷ ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) cho biết: “Tôi nuôi heo hơn chục năm nay nhưng chưa khi nào bỏ chuồng trống như bây giờ. Đợt dịch vừa rồi, nhiều nhà hàng xóm heo bệnh và bị chết liên tục, tôi hoảng quá, vội bán tháo cả đàn heo hơn chục con đi. Giờ muốn gầy đàn lại thì tôi không đủ vốn do giá heo hơi tăng cao. Hơn nữa, đang vào mùa nắng nóng nên tôi sợ nuôi heo sẽ bị dịch bệnh”. Chị Đoàn Thị Thành ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) cho hay: “Đợt dịch LMLM vừa qua, 3 con heo nái và gần chục con heo sữa của nhà tôi bị bệnh chết cả, hơn chục triệu đồng của gia đình coi như mất trắng. Hai năm liền, bao nhiêu vốn liếng tôi đều dồn để nuôi heo. Heo hết bị tai xanh lại đến LMLM nên mất sạch. Giờ nghĩ đến việc nuôi heo, tôi vẫn còn thấy hãi hùng, không dám đầu tư thêm nữa”.
Ngoài nỗ lực của mỗi người dân trong việc tăng năng suất và chất lượng thịt heo để bán ra thị trường có giá cao hơn thì các cấp, các ngành liên quan cần có biện pháp hỗ trợ nông dân để giảm chi phí đầu tư. Đó là việc kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường, ổn định giá đầu ra... Cơ quan chức năng cũng cần tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, hướng dẫn tận tình về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thú y… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất để khuyến khích người chăn nuôi ổn định đàn.
TUYẾT HƯƠNG