Thứ Bảy, 05/10/2024 06:26 SA
Chương trình mía đường ở Phú Yên:
Phát huy thành tựu, giải quyết tồn tại để phát triển bền vững (Tiếp theo và hết)
Thứ Bảy, 16/04/2011 09:00 SA

II- GIẢI QUYẾT DỨT ÐIỂM VỤ VIỆC CỦA CÔNG TY VẠN PHÁT

Khi tổng kết đánh giá thành tựu phát triển ngành sản xuất mía đường của Phú Yên không thể không nói đến sự việc của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát. Đầu tư xây dựng nhà máy đường bị chính quyền địa phương đình chỉ xây dựng và cưỡng chế buộc tháo dỡ, Vạn Phát lại tiếp tục xây dựng. Vạn Phát cũng đã có đơn thư lên tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp, nên việc giải quyết cứ dây dưa đến nay vẫn còn tồn đọng, trở thành vụ việc nổi cộm ở địa phương. Nếu tiếp tục để kéo dài, sẽ không tốt cho cả doanh nghiệp và địa phương.

Mia-duong-5110416.jpg

Mía về Nhà máy đường KCP ở Sơn - Ảnh: M.NGUYỆT


Nhiều người tán thành phương pháp giải quyết nên có lý, có tình, có “đạt lý, thấu tình”.

Theo chữ lý là căn cứ theo pháp luật, lấy pháp luật làm thước đo của sự đúng, sai. Còn theo chữ tình là phương pháp ứng xử, “chín bỏ làm mười”, nhưng không được bẻ cong pháp luật.

Khách quan nhìn từ phía Vạn Phát thấy có những điểm bất lợi sau đây:

Về lý:

+ Quy hoạch ngành mía đường của tỉnh Phú Yên trước đây, cũng như quy hoạch phát triển công nghiệp Phú Yên (2010-2020), được ban hành theo Quyết định 1288/QĐUB ngày 13/1/2009 không có danh mục dự án nhà máy đường Công ty TNHH Rượu Vạn Phát.

+ Theo quy định của pháp luật, bất kể thành phần kinh tế nào, ở trong nước hay đầu tư nước ngoài, muốn đầu tư, kinh doanh lĩnh vực nào cũng đều phải có hồ sơ dự án trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép mới được triển khai thực thi dự án. Vạn Phát không trình dự án, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép vẫn cứ làm, khi Vạn Phát mua thiết bị cũ của Nhà máy Đường Việt Trì về lắp đặt đã bị chính quyền cưỡng chế không cho thực hiện; đã thế, Vạn Phát cũng không dừng lại, năm 2010 Vạn Phát lại mua nhà máy cũ đâu đó, nâng công suất thiết bị lên 2.000 tấn ngày (?). Làm như thế, Vạn Phát đã làm cho nhiều người nghĩ rằng Vạn Phát thách thức chính quyền sở tại?

+ Vạn Phát chưa quy hoạch vùng nguyên liệu đã xây dựng nhà máy là cách làm không cơ bản. Còn nếu có dự định sẽ tranh mua nguyên liệu trong vùng mía đã được quy hoạch cho nhà máy khác vì cho rằng: Thời kinh tế thị trường, doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh thu mua (không cần chính quyền can thiệp). Đó là cách suy nghĩ sai trái, kinh doanh kiểu “chụp giựt”. Tranh mua, phá giá thị trường là kiểu kinh doanh không nghiêm túc, dẫn đến vi phạm pháp luật. Nên nhớ rằng đường lối đổi mới của Đảng phải hiểu đầy đủ là: “Xây dựng nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN”.

Kinh tế thị trường được coi là tự do nhất thế giới như Mỹ và Tây Âu, họ vẫn có luật chống phá giá thì làm gì có kiểu thị trường tự do theo kiểu “chợ trời”.

+ Vấn đề đất đai, Vạn Phát tự tay mua bán, sang nhượng đất sản xuất nông nghiệp của nông dân sở tại rồi cứ thế mà xây dựng, không cần chuyển đổi mục đích sử dụng, không cần chính quyền thị thực đất đai hay cấp giấy phép xây dựng. Làm như thế là sai quy định của pháp luật.

Về tình:

Vạn Phát là doanh nghiệp ở địa phương khác đến Phú Yên làm ăn. Lẽ đương nhiên rất cần sự giúp đỡ của cán bộ, nhân dân sở tại cho công việc “hanh thông”. Thiết nghĩ: Tài thánh như ông Tôn Ngộ Không mà đôi khi gặp khó khăn còn phải nhờ ông Thổ Địa chỉ đường huống hồ Vạn Phát là người trần tới xứ người làm ăn mà Vạn Phát chỉ trích cán bộ địa phương từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Thế là không “đắc nhân tâm”. Xét cả ba điều kiện cần có là: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì Vạn Phát đều thiếu cả.

Vậy là, đâu phải Đảng, chính quyền Phú Yên làm khó, mà chính Vạn Phát tự làm khó cho mình.

Công ty TNHH Rượu Vạn Phát muốn sản xuất đường phải chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng nhà máy. Để có cơ sở cho cơ quan thẩm quyền giải quyết (mặc dù đã muộn) Vạn Phát phải lập hồ sơ dự án trình cho cơ quan có thẩm quyền. Vạn Phát nên coi việc làm đó là việc làm bình thường và coi việc làm đó là nghĩa vụ và quyền lợi của mình…

Thái độ ứng xử trong giải quyết vụ việc, không dựa trên cảm tính cá nhân, yêu hay ghét, thắng hay thua mà phải rất khách quan, minh bạch, cầu thị, đúng luật.

Khi xem xét thẩm định dự án, tất nhiên hội đồng thẩm định và cơ quan thẩm quyền sẽ căn cứ nhiều tiêu chí theo quy phạm Nhà nước. Song cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đánh giá tác động môi trường. An toàn tuyệt đối cho môi trường phải đặt lên hàng đầu. Thông tin về ô nhiễm môi trường của Nhà máy Đường Quảng Ngãi mà báo chí đã nêu đáng để chúng ta cảnh giác. Nhà máy của Vạn Phát nằm trên khu đất triền dốc, ngay trước thượng lưu đập Đồng Cam, “mạch sống quê hương”, nếu để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường sẽ tác động rộng lớn cả vùng đồng bằng Tuy Hòa.

Nếu các yếu tố kỹ thuật và môi trường của Nhà máy Vạn Phát đảm bảo, cơ quan thẩm quyền cho phép hoạt động thì cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía trên cơ sở không gây bất lợi cho các nhà máy khác, làm ảnh hưởng xấu chương trình mía đường của tỉnh. Đồng thời phải có những quy định để việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lành mạnh, đúng luật.

III- ÐỀ XUẤT ÐỊNH HƯỚNG 10 NĂM ÐẾN:

Sự thành công của chương trình mía đường Phú Yên cũng như sự thành công trong việc thực hiện di dời Nhà máy Đường của KCP về Sơn Hòa 10 năm qua đã được khẳng định. Mười năm tới chắc chắn phải là 10 năm hoàn thiện và phát triển với chất lượng cao và bền vững.

Theo dự báo của FAO và OECD, tình hình sản xuất mía đường của thế giới 10 năm đến không tăng nhiều. Những nước sản xuất đường lớn như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc… đều giảm sản lượng đường. Dự báo sản lượng đường của thế giới 5 năm (từ năm 2015-2019) như sau: Năm 2015:181,13 triệu tấn; năm 2016: 186,32 triệu tấn; năm 2017: 192,98 triệu tấn; năm 2018: 195,74 triệu tấn; năm 2019: 200,1 triệu tấn. Thị trường đường thế giới cung không đáp ứng cầu. Thị trường đường thế giới niên vụ 2010-2011 thiếu khoảng từ 7-8 triệu tấn. Giá đường thế giới tăng mạnh, năm 2009 tăng 130% và nếu so với 10 năm trước, giá đường tăng 341% (nguồn tài liệu của FAO và OECD).

Tình hình sản xuất và tiêu thụ đường trong nước cũng không đáp ứng cầu. Giá mía tại Phú Yên năm 2010 so với năm 2011 tăng 3,6 lần. Giá đường cũng tăng tương tự. Như vậy, thị trường và giá đường như dự báo là tương đối thuận lợi để ngành sản xuất mía đường phát triển. Tuy nhiên, cần dự lường hết những bất trắc, rủi ro có thể xảy ra.

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích thực tiễn ngành sản xuất mía đường Phú Yên xin nêu một số ý kiến đề xuất như sau:

- Nhược điểm của vùng mía Phú Yên hiện nay là năng suất bình quân còn khá thấp. Khoảng cách giữa năng suất thấp và năng suất cao rất xa. Theo số liệu thống kê của Công ty KCP, trong vùng nguyên liệu của nhà máy, năng suất mía như sau: Năng suất bình quân 50 tấn/ha có: 6.995ha; năng suất 80 tấn/ha có: 2.925ha; năng suất 100 tấn/ha có: 1.385ha. Còn lại khoảng hơn 50% diện tích có năng suất dưới 50 tấn/ha.

Năng suất thấp là nhược điểm hiện tại nhưng là tiềm năng trong tương lai. Nguyên nhân cơ bản của những thửa ruộng năng suất thấp là thiếu nước tưới. Phải đầu tư để khai thác tiềm năng này thành lợi thế cạnh tranh.

Cần rà soát lại quy hoạch diện tích trồng mía. Xây dựng những cánh đồng thâm canh năng suất cao. Đầu tư thủy lợi cho vùng mía là chương trình ưu tiên hàng đầu. Khai thác tối đa lợi thế khai thác nguồn nước kể cả khoan giếng bơm nước tưới mía. Thực tế của nông dân Sơn Hòa, những ruộng mía có tưới năng suất đạt 180 tấn/ha. Với giá mía hiện nay, nếu đạt năng suất 50 tấn/ha là có 50 triệu đồng/ha. Từ 50 tấn đến trần năng suất tối đa là khoảng cách khá xa, biên độ rộng để người trồng mía khai thác lợi thế cạnh tranh.

Giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc trải qua hàng chục năm vật lộn với cây mía, bà con nông dân có kinh nghiệm. Hiện nay ở Phú Yên đã du nhập được khá nhiều giống mía có năng suất, chất lượng cao. Cần tổng kết thực nghiệm trên từng loại đất để hướng dẫn bà con nông dân trồng đại trà.

Cây mía là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế và chống xói mòn, bảo vệ đất rất tốt cho vùng đất bán sơn địa ở các huyện miền núi góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Tuy nhiên, trong những khoảng thời gian ngắn hạn nó cũng bị một số cây tranh chấp như cây sắn, ở những vùng diện tích không tưới năng suất thấp. Do đó đầu tư thâm canh mía cũng chính là đầu tư cho môi trường.

Theo phương hướng đầu tư chiều sâu, thâm canh, không mở rộng diện tích trồng mía thì sản lượng mía vẫn đủ nguyên liệu.

Chương trình mía đường ở Phú Yên vừa là hướng đi, vừa là công cụ để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở 3 huyện miền núi (Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh). Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp mía đường. Có chính sách ưu đãi thoáng hơn, thủ tục hành chính về đất đai, về cấp phép đầu tư đơn giản, thuận lợi để thu hút đầu tư.

Để tạo ra sự liên kết kinh tế, xã hội bền vững, các nhà máy chế biến đường nên dành một tỉ lệ phần trăm vốn để bán cổ phần cho nông dân trồng mía tạo sự gắn kết sâu bằng quan hệ lợi ích kinh tế bền vững.

 

Tiến sĩ NGUYỄN THÀNH QUANG


 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek