Thứ Năm, 28/11/2024 02:34 SA
Mỹ nghệ gỗ - đá
Thứ Năm, 14/09/2006 07:53 SA

Đồ gia dụng, đồ mỹ nghệ được chế tác từ nguyên bản là những gốc cây gần đây được rất nhiều người ưa chuộng sử dụng. Lợi thế của mặt hàng này là đánh vào tâm lý người tiêu dùng với triết lý “mang thiên nhiên vào ngôi nhà của bạn” bởi những gốc cây không được cưa xẻ ra thành những thanh gỗ nữa, mà tùy theo thế và dáng của từng cành cây, gốc cây riêng biệt, các nghệ nhân sẽ tạo thành những tác phẩm có hồn và sắc thái riêng biệt.

 

060914-go-da.jpg

Sự kết hợp giữa đá và gỗ tạo nên nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ gia dụng độc đáo, giàu nghệ thuật - Ảnh: C.THANH

 

Tuy người Phú Yên đến với thú chơi đá cảnh chậm hơn so với nhiều vùng khác, nhưng lại có lợi thế rất lớn khi vùng sông Ba hạ là lưu vực có lượng thủy thạch độc đáo và có trữ lượng rất lớn. Theo nhiều người chơi đá cảnh thì thủy thạch sông Ba đã bị trôi dạt ra ngoài tỉnh rất nhiều. Các đại gia sành chơi đá cảnh từ rất lâu ở các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa đã sưu tập thủy thạch sông Ba trước đây nhiều năm. Do vậy “hàng độc” của khu vực này hiện còn không nhiều, nhưng nếu chịu khó tìm kiếm, người chơi cũng có nhiều tác phẩm hay.

 

Theo những người chuyên tìm đá cảnh ở Phú Yên, ngoài loại đá chủ yếu là granite, lưu vực sông Ba cũng có nhiều đá đang trong thời kỳ chuyển hóa, có nhiều màu sắc, hình dáng “rất bắt”. Công trình thủy điện sông Ba hạ được xây dựng, một khối lượng lớn đá sông được đào lên là dịp để người chơi đá cảnh sưu tầm. Bên cạnh đó, những gốc cây được chôn dưới lòng đất lâu năm cũng được các nghệ nhân tìm kiếm.

 

Sự kết hợp giữa gỗ và đá đang bắt đầu được hình thành, nhiều tác phẩm được kết hợp hài hòa càng tôn lên giá trị và vẻ đẹp của cả gỗ lẫn đá mà nếu để riêng biệt không thể có được. Theo ông Nguyễn Thái Sơn, chủ xưởng gỗ Sơn Phước (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) những gốc cây trắc, cẩm, xoan... kết hợp với đá cảnh thường cho những tác phẩm mỹ nghệ và gia dụng độc đáo. Trước đây, cả vùng núi từ An Chấn (Tuy An) lên Sơn Định (Sơn Hòa) và Sơn Phước (Đồng Xuân) là vùng rừng “chuyên trắc”. Gốc trắc có màu sắc đặc trưng dễ hòa hợp được với đá cảnh, nhất là nhiều gốc trắc được chôn lâu năm dưới đất nếu tìm thấy thường có hình dáng đặc biệt. Đam mê gỗ và đá, ông Nguyễn Thái Sơn là người tiên phong kết hợp hai loại nguyên liệu này với nhau. Theo ông, vấn đề cốt lõi của người chơi và sáng tạo là nhận ra dáng vẻ của tác phẩm từ khi nguyên bản là một phiến, viên đá hoặc rễ, gốc cây. Từ đó, người nghệ nhân thổi hồn vào bằng cách tác động không quá mức và không tạo nên chi tiết trên tác phẩm. Điều này vừa tôn trọng sự nguyên sơ của vật liệu, lại kích thích trí tưởng tượng của người xem, chơi.

 

CANG THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek