Dao động mạnh về lãi suất, tỉ giá, giá các loại nhiên - nguyên vật liệu tăng... khiến không ít doanh nghiệp ở Phú Yên gặp khó khăn trong việc triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Đại diện các doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn tại một ngân hàng ở TP Tuy Hòa. - Ảnh: N.QUANG
NGẠI VAY VỐN
Những tháng đầu năm 2011, tuy các hợp đồng vay vốn mới giải ngân chưa nhiều, song một số ngân hàng ở Phú Yên đã gửi thông báo tăng lãi suất đến khách hàng của mình. Theo đó, lãi vay được đẩy lên mức 18-19%/năm (tương đương 16%/tháng). Với mức lãi suất này, nhiều doanh nghiệp cho rằng không dại gì đầu tư, mở rộng sản xuất vì nếu đầu tư vào thời điểm này không thu được lời. Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp buộc phải vay bởi sức ép đơn hàng đã ký kết với đối tác trước đó nên đành phải... “nhắm mắt” đi vay. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất thủy sản tại khu công nghiệp Hòa Hiệp (xin không nêu tên) cho biết: Công ty đang chịu lãi 18%/năm của món nợ 7 tỉ đồng. Cũng theo doanh nghiệp này, sở dĩ phải chấp nhận vay mức lãi suất trên là do công ty phải giao lô hàng trị giá 500 USD cho một đối tác ở thị trường EU vào tháng tới nên không thể tạm ngưng hoạt động được. “Cơ hội làm ăn mở ra trong năm 2011 không ít, nhưng với mức lãi suất như hiện nay thì doanh nghiệp khó có lãi”, giám đốc doanh nghiệp này khẳng định.
Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, rất khó giảm lãi suất trong thời điểm này vì phải “gánh” một lượng lớn vốn huy động lãi suất cao từ cuối năm 2010. Đứng trước mức lãi suất này, không ít doanh nghiệp buộc phải sản xuất cầm chừng. Ông Lại Ngọc Tân, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Ngọc Mỹ (TP Tuy Hòa) cho biết, cơ hội làm ăn không thiếu, nhưng lãi suất ngân hàng cao khiến doanh nghiệp ngại mở rộng sản xuất. Ông Tân cho biết, hiện công ty của ông đang phải chịu lãi suất gần 18%/năm của khoản vay 1,5 tỉ đồng tại một ngân hàng cổ phần. Với lãi suất này, mỗi tháng công ty phải trả gần 30 triệu đồng tiền lãi, trong khi đó sản xuất vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, giá nguyên liệu, công nhân… tăng liên tục dẫn đến giá sản phẩm tăng, sức cạnh tranh giảm sút.
TÌM CÁCH VƯỢT KHÓ
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, với lãi suất gần 19%/năm mà các ngân hàng đang áp dụng thì khó có ngành hàng nào sản xuất, kinh doanh có lãi. Cho nên, để tồn tại được trong điều kiện hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự nỗ lực rất nhiều. Ông Lê Văn Thành, Giám đốc DNTN Lê Thành, cho biết thêm: “Kế hoạch năm 2011 này, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì sản xuất tương đương với năm 2010. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cải tiến máy móc thiết bị hiện đại nhằm tiết kiệm nhiên liệu và sử dụng ít lao động hơn”. Tượng tự, Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Bá Hải, cho biết: Với mặt bằng lãi suất hiện nay chúng tôi chỉ dám vay khoảng 20% nhu cầu về vốn cho sản xuất. Ngoài vốn tự có, vốn vay công ty sẽ cố gắng xoay vòng vốn lưu động nhanh, tranh thủ sự tín nhiệm của các nhà cung cấp nguyên liệu để được mua nguyên liệu “gối đầu”. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệ nào cũng làm được. Cho nên, những doanh nghiệp có quy mô sản xuất càng nhỏ sẽ khó khăn hơn.
Theo thống kê của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên, đến nay tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng phục vụ nền kinh tế Phú Yên đạt 8.000 tỉ đồng. Trong số này có 3.300 tỉ đồng phục vụ xây dựng cơ bản, chiếm 42% tổng dư nợ; cho vay phục vụ nông nghiệp đạt 2.500 tỉ đồng, chiếm 31% tổng dư nợ…
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, bà Huỳnh Kim Thoa, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phẩn Ngoại thương (Vietcombank) tại Phú Yên cho biết: “Vietcombank đang áp dụng mức lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh chỉ 17,6%/năm (tương đương 1,46%/tháng). Với mức lãi suất này, doanh nghiệp có thể chấp nhận được và làm ăn có lãi”. Cùng theo bà Thoa, kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng của Vietcombank Phú Yên năm 2011 là 37% so với năm 2010 nên không thiếu vốn để doanh nghiệp vay.
Trong năm 2011, doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với lãi suất cao, mà còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức như giá điện, thiếu điện, tỉ giá tăng dẫn đến giá nguyên liệu tăng... Chi phí đầu vào cao dẫn đến đầu ra tăng giá theo và như vậy doanh nghiệp khó mà đứng vững nổi trước làn sóng cạnh tranh của hàng nhập khẩu giá rẻ. “Để đứng vững trên thị trường, doanh nghiệp phải sử dụng vốn hiệu quả và tiết kiệm chi phí; chọn lọc những dự án có khả thi và mang lại hiệu quả cao”, ông Thành phân tích.
Tính đến thời điểm này, ít nhất bốn lần các ngân hàng thương mại đưa ra đồng thuận trần lãi suất huy động 11-12%/năm, giảm gần 2% so với tháng 12/2010. Các doanh nghiệp ở Phú Yên hy vọng việc hạ lãi suất đầu vào sẽ là cơ sở để ngân hàng giảm lãi suất đầu ra.
NGUYỄN QUANG