Trời chuyển nắng, các làng muối Tuyết Diêm, Xuân Phương (TX Sông Cầu) đã bắt đầu khởi động để vào vụ mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều âu lo khi giá muối năm ngoái “rớt thê thảm” và lượng muối tồn đọng nhiều.
Diêm dân Sông Cầu cải tạo ruộng muối, chuẩn bị cho vụ mùa mới - Ảnh: T.HƯƠNG |
Sau một thời gian nghỉ “xả hơi”, các làng muối đang tất bật vào vụ mới. Ông Trương Ngọc Hóa ở thôn Tuyết Diêm (xã
Đối với các diêm dân ở Sông Cầu, chi phí cho đầu vụ bao giờ cũng là một gánh nặng. Bởi lẽ, bà con còn làm muối theo cách truyền thống, đa phần đều sản xuất trên những cánh đồng đất, sau mỗi mùa mưa lụt các tuyến bờ bao bị xói lở, hư hỏng nhiều. Diêm dân phải bỏ ra một số tiền khá lớn để gia cố lại chuẩn bị cho mùa muối mới. Ông Lê Minh Tuấn, một diêm dân ở làng muối Trung Trinh, xã Xuân Phương lo lắng: “Nhà tôi có 7 sào muối, mỗi năm vào đầu vụ tôi phải bỏ ra cả chục triệu đồng để thuê lao động be bờ, cày đất… Năm nay giá một ngày công lao động tăng lên 80.000 đồng, đẩy chi phí đầu vụ lên cao. Không biết rồi mùa này có thu lại được không?”. Ông Đặng Tho bày tỏ: “Hầu hết diêm dân ở Tuyết Diêm đều khó khăn trong khi chi phí đầu tư làm muối khá cao, nhất là khâu đắp đê bao cho đồng muối; trung bình mỗi hộ phải chi vài chục triệu đồng mỗi vụ”.
Để có được những hạt muối trắng mang hương vị mặn mòi của biển, các diêm dân không kể ngày đêm phơi mình dưới cái nắng gay gắt. Thế nhưng từ bao đời nay, những diêm dân này chưa bao giờ dám mơ đến chuyện đổi đời từ ruộng muối. Bà Đỗ Thị Nhỏ ở xã Xuân Phương tâm sự: “Gia đình tôi đã 3 đời theo đuổi nghề làm muối này, nhưng chỉ mong đủ trang trải cho cuộc sống chứ có dám nghĩ đến gì cao sang hơn”. Cũng theo họ, muối chỉ được giá khi mất mùa, còn được mùa lại luôn mất giá.
Thời gian qua, giá muối trên thị trường được thả nổi và hầu như bị các thương lái chi phối hoàn toàn. Vậy nên dù được mùa hay mất mùa thì người thu lợi cũng chỉ là các thương lái.
Trước những khó khăn của các diêm dân, Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn từng có kế hoạch quy hoạch, nâng cấp đồng muối, xây dựng hệ thống đê bao kiên cố cho bà con. Nhưng cho đến nay tất cả vẫn còn nằm trên giấy. Hằng năm, diêm dân các làng muối phải đổ ra gần nửa tỉ đồng gia cố lại bờ bao, để đến mùa mưa lụt lại bị phá hỏng. Hay như năm 2010, khi muối trên thị trường bị “nhũng”, Nhà nước có áp giá và thu mua cho diêm dân, nhưng chính sách vẫn chưa đến được với bà con vùng muối Sông Cầu…
Khởi động một mùa muối mới với nhiều nỗi âu lo như vậy nhưng các hộ làm nghề vẫn rộn rã ra đồng cày cuốc, băm đất, be bờ… Họ nuôi hy vọng mùa mới sẽ nhiều nắng hơn, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ, ưu đãi hơn cho hạt muối quê hương, để thành quả lao động của các diêm dân không phải chất đống, trùm bạt từ ngày này sang tháng khác nữa…
TUYẾT HƯƠNG