Ngày 23/2, ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), cho biết tình trạng mía tồn đọng trên ruộng, phải phơi nắng 3-4 ngày mới được vận chuyển về nhà máy, gây ảnh hưởng đến sản lượng đang xảy ra tại địa phương này.
Hiện nay, mỗi ngày nông dân xã Đức Bình Tây chặt khoảng 200 tấn mía, trong khi Nhà máy Đường Tuy Hòa thực hiện theo kế hoạch chỉ phân xe chở 100-120 tấn tại xã này. Theo ông Bình, nguyên nhân khiến nông dân chặt mía nhiều hơn kế hoạch vận chuyển của nhà máy là do mía chín đều, ruộng trước chặt thì ruộng sau cũng phải chặt, vì nếu người làm ruộng sau chặt trễ 5-7 ngày thì chủ ruộng trước không cho chở mía băng qua ruộng họ do khi đó ruộng mía vừa khai thác đã được bón phân, chăm sóc. Ông Bình nói mặc dù Nhà máy Đường Tuy Hòa đã bao tiêu giá tại ruộng 900.000 đồng/tấn mía là mức giá khá cao, song do lượng mía chặt tồn đọng phải phơi nắng nhiều ngày nên khi cân sản lượng không cao như lúc vừa mới đốn khiến nhiều người dân kêu ca.
Được biết, niên vụ mía này, xã Đức Bình Tây trồng 550ha mía, là một trong những địa phương có diện tích trồng mía lớn ở huyện Sông Hinh. Hiện nông dân đã thu hoạch được khoảng 100ha với năng suất 70-80 tấn/ha.
N.HÒA - Y.HÀ