Thứ Tư, 27/11/2024 02:57 SA
Thuế thu nhập cá nhân được tính ra sao?
Thứ Năm, 07/09/2006 09:57 SA

Có rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau khi Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó tập trung vào khoản giảm trừ để nuôi người thân, đánh thuế tiền lãi tiết kiệm... Bộ trưởng Bộ Tài chính VŨ VĂN NINH cho biết.

- Quan điểm của chúng tôi khi xây dựng dự thảo Luật thuế TNCN vào thời điểm này trước tiên là khắc phục những điểm bất bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế là cá nhân với Nhà nước, đồng thời tạo lập một thói quen về nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước của các công dân cũng như từng bước xây dựng một hệ thống kiểm soát tốt thu nhập của người dân...

060907-thu-nhap.jpgBên cạnh đó, việc chuyển đổi này cũng có lợi cho người dân, chẳng hạn như các hộ kinh doanh từ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sang nộp thuế TNCN. Cùng là TNCN nhưng trước đây thu nhập của các hộ kinh doanh phải chịu thuế toàn bộ theo thuế suất 28% mà không được trừ phần khởi điểm.

Trong khi đó, thu nhập từ tiền công, tiền lương trên mức khởi điểm 5 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế và áp dụng thuế suất lũy tiến từng phần từ 10-40%. Chuyển sang cách tính mới sẽ khuyến khích cá nhân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh để làm giàu chính đáng.

Nếu tính chi li, với khoảng cách các bậc thu nhập chịu thuế dãn ra rộng hơn và thuế suất cũng thấp hơn so với qui định hiện tại, cộng thêm việc áp dụng qui định về giảm trừ gia cảnh trong khi mức khởi điểm chịu thuế tương đương, chắc chắn phần thu từ thuế TNCN sẽ “giảm” so với hiện tại. Đây là một trong những điểm mà ban soạn thảo đã thể hiện rõ chủ trương “khoan sức dân” của Nhà nước.

* Nhưng nhiều người băn khoăn vì sao lại thu thuế cả tiền lãi gửi tiết kiệm, trong khi số đông người dân đang sống bằng tiền lãi gửi tiết kiệm?

060907-Vu-Van-Ninh.jpg- Áp thuế đối với tiền lãi gửi tiết kiệm mức trên 5 triệu đồng/tháng là để đảm bảo công bằng với các đối tượng nộp thuế khác. Trước khi tính toán đưa ra qui định này trong dự thảo, Bộ Tài chính đã phải tìm hiểu rất kỹ về tình hình tiền gửi tiết kiệm của người dân. Thực tế là cho đến thời điểm này, số người có tiền gửi tiết kiệm cho số lãi từ 4-10 triệu đồng là khá lớn.

Đây đúng là vấn đề khá nhạy cảm, nhưng cứ thử tính những người bỏ công sức ra đi làm trong thời điểm hiện nay phải nộp thuế đối với phần thu nhập trên 4 triệu đồng thì tại sao những người gửi tiền tiết kiệm lại được miễn

Còn việc đưa thu nhập từ lợi tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp vốn kinh doanh bao gồm cả mua bán chứng khoán vào diện chịu thuế, theo nhiều chuyên gia cho ý kiến, cũng là phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển của kinh tế VN.

Với sự phát triển nhanh chóng của các thị trường và trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, số lượng người nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp sẽ tăng lên nhiều nên việc tính thuế đối với nhóm đối tượng này, ngoài mục đích động viên cho ngân sách nhà nước còn đảm bảo quyền đánh thuế của VN đối với các cá nhân nước ngoài có thu nhập phát sinh tại VN.

* Rất nhiều người đang quan tâm vấn đề này, thưa ông, hai vợ chồng cùng đi làm để nuôi con, liệu có đồng thời được giảm trừ gia cảnh hay không?

060907-tam-thu.jpg

Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với pháp lệnh thuế thu nhập cao. Trong ảnh: Tạm thu 10% thuế thu nhập cá nhân đối với cộng tác viên viết báo có nhuận bút từ trên 500.000 đồng/lần nhận - Ảnh: N.C.T.

- Trong một gia đình sẽ không được tính “song trùng” về các đối tượng phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh. Tức là nếu người chồng đã được giảm trừ phần này thì người vợ khi tính thu nhập chịu thuế sẽ không được tính giảm trừ gia cảnh nữa.

Về nguyên tắc là như vậy, nhưng cụ thể như thế nào thì chúng tôi vẫn đang phải tính toán thật cụ thể vì để tính cho chính xác, quản lý được tốt nội dung này không phải là chuyện đơn giản. Hiện ban soạn thảo đang đề xuất ba mức giảm trừ gia cảnh. Quan điểm của tôi là về lâu dài chỉ nên có một hoặc hai mức nhưng số giảm trừ phải đủ để chi tiêu cho những người phụ thuộc.

* Mở rộng diện chịu thuế, tới đây việc quản lý thuế sẽ được thực hiện ra sao để không gây phiền hà cho người dân, thưa ông?

Đối tượng được giảm trừ gia cảnh?

Về tỉ lệ giảm trừ đối với những người phụ thuộc vào cá nhân nộp thuế, hiện ban soạn thảo dự luật thuế TNCN đang đề nghị ba mức:

- Tỉ lệ giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tàn tật là tương đương 50% khởi điểm chịu thuế. Hiện có hai phương án về khởi điểm chịu thuế, nếu là 4 triệu đồng/tháng thì mức giảm trừ đối với người phụ thuộc tàn tật là tương đương 2 triệu đồng (4 triệu x 50%), nếu khởi điểm chịu thuế là 5 triệu thì tương đương 2,5 triệu đồng (5 triệu x 50%).

- Tỉ lệ giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc dưới 18 tuổi là tương đương 40% khởi điểm chịu thuế. Căn cứ theo hai phương án về khởi điểm chịu thuế thì mức giảm trừ cho người phụ thuộc dưới 18 tuổi là 1,6 triệu đồng/tháng hoặc 2 triệu đồng/tháng.

- Tỉ lệ giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc khác là 30% khởi điểm chịu thuế, tính ra tương đương 1,2 triệu đồng/tháng hoặc 1,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo dự thảo, mức giảm trừ tối đa là 10 triệu đồng, đủ để nuôi 5-7 người phụ thuộc.

- Với điều kiện cơ sở hạ tầng, nhân lực còn nhiều hạn chế, quả thật thực hiện Luật thuế TNCN sẽ không đơn giản. Chính vì vậy Bộ Tài chính mới phải xin thêm hai năm từ khi luật được thông qua đến lúc áp dụng để có thời gian chuẩn bị. Hệ thống máy móc phải đảm bảo để người dân tự kê khai mà cơ quan thuế vẫn đủ điều kiện để đối chiếu lại. Đồng thời, khoảng thời gian này cũng là thêm một bước đệm để có thể tiến tới kiểm soát tốt nguồn thu của người dân, tăng cường các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

* Ở vào thời điểm này, mức khởi điểm chịu thuế đối với người có thu nhập cao là 5 triệu đồng. Đâu là cơ sở để đến ba năm nữa, khi GDP bình quân đầu người của VN tăng so với hiện tại mà chúng ta lại áp dụng mức khởi điểm này, thưa ông? Liệu lúc đó mức giảm trừ gia cảnh mà ban soạn thảo đang đề xuất có còn phù hợp?

- Trước khi đưa ra mức này, chúng tôi đã tham khảo nhiều nguồn tài liệu về ước tính mức trượt giá cũng như tăng trưởng GDP bình quân đầu người của VN vào thời điểm 2009. Các phương án tính thuế được xây dựng dựa trên số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá và các kết quả điều tra xã hội học về thu nhập chi tiêu của các tầng lớp dân cư đã được công bố, dự báo theo chỉ số tăng trưởng đến năm 2009-2010.

Đồng thời Bộ Tài chính cũng đã thu thập nhiều tài liệu, biểu thuế của các nước trong khu vực có điều kiện khá tương đồng với VN. Một số đoàn cán bộ cũng được ra nước ngoài khảo sát, nghiên cứu. Qua nghiên cứu cho thấy có hai quan điểm thu thuế: một là cá nhân có thu nhập đều có nghĩa vụ nộp thuế, hai là cá nhân phải có thu nhập vượt trên ngưỡng nhất định thì mới nộp thuế.

Theo tôi, quan điểm thứ nhất chưa phù hợp với điều kiện nước ta do phần lớn thu nhập còn thấp, tích lũy chưa cao mà chủ yếu dùng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Mức đó, theo tính toán là trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng, nên ban soạn thảo đã đề xuất phương án 4-5 triệu đồng.

Tuy nhiên, tất cả những vấn đề được đưa ra trong dự thảo Luật thuế TNCN đều được thiết kế ở dạng mở nên chúng tôi sẽ vẫn tiếp thu các ý kiến đóng góp của xã hội cho dự thảo luật. Đây là luật có phạm vi ảnh hưởng lớn, nên việc tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu trong dự luật là rất cần thiết.

* Vậy việc lấy ý kiến sẽ được thực hiện như thế nào, bao giờ bắt đầu lấy ý kiến rộng rãi trong dân cư, thưa bộ trưởng?

- Trong quá trình soạn thảo, bộ dự kiến thiết lập các kênh thông tin, đường dây nóng để tiếp nhận đóng góp của người dân. Những ý kiến hợp lý chúng tôi sẽ xem xét đưa vào trong dự thảo.

Trong một vài hôm nữa, tôi sẽ ký công văn gửi dự thảo đầu tiên này đi lấy ý kiến các bộ, ngành để đến phiên họp thường kỳ cuối tháng này của Chính phủ, các thành viên Chính phủ có thể cho ý kiến đóng góp lần đầu, sau đó trình Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự luật vào kỳ họp cuối năm 2006.

Sau lần đầu lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật sẽ được tiếp thu, bổ sung và sau đó sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp nửa đầu năm 2007.

Biểu thuế lũy tiến từng phần (áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công):

Bậc 1: 4 triệu đồng/tháng 0%; bậc 2: trên 4 đến 6 triệu đồng/tháng: 5%; bậc 3: trên 6 đến 9 triệu đồng: 10%; bậc 4: trên 9 đến 14 triệu đồng/tháng: 15%; bậc 5: trên 14 đến 24 triệu đồng/tháng: 20%; bậc 6: trên 24 đến 44 triệu đồng/tháng: 25%; bậc 7: trên 44 đến 84 triệu đồng/tháng: 30%; bậc 8: trên 84 triệu đồng: 35%.

Biểu thuế suất toàn phần (áp dụng cho các loại thu nhập từ đầu tư, thu nhập chuyển nhượng vốn, bất động sản và các thu nhập khác):

Lãi cho vay, lợi tức cổ phần, lợi tức từ góp vốn kinh doanh, lãi tiết kiệm trên 5 triệu đồng/tháng: 5%, thu nhập từ chuyển nhượng vốn: 25%; thu nhập từ chuyển đổi bất động sản: 25%. Các thu nhập khác: thu nhập từ tiền bản quyền vượt 10 triệu đồng/lần: 5%; trúng xổ số, khuyến mãi quá 10 triệu đồng/giải thưởng: 10%; thu nhập từ thừa kế, quà tặng trên 10 triệu đồng/lần: 10%.

Theo NHẬT LINH (Tuổi Trẻ)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek