Thứ Hai, 07/10/2024 21:26 CH
Bệnh phát sáng gây hại trên tôm nuôi
Thứ Ba, 04/01/2011 14:30 CH

Tôm nhiễm bệnh phát ra ánh sáng màu xanh trong bóng tối. Đây là bệnh nhiễm vi khuẩn thuộc nhóm vibrio. Vi khuẩn phát sáng gây bệnh cho tôm có nhiều loại, trong đó nguy hiểm nhất là vibrio harveyi. Sự phát sáng của những vi khuẩn này là do có phản ứng hóa học bởi enzyme luciferase.

 

tom110104.jpg

Cải tạo ao đìa trước khi thả nuôi tôm. - Ảnh: A.NGỌC

 

Người nuôi tôm sú sẽ bị thiệt hại nặng khi mua phải tôm sú giống nhiễm bệnh phát sáng. Trong ao nuôi, tôm bị bệnh thường bơi lội không định hướng, một số con dạt vào bờ. Ao nuôi xảy ra dịch bệnh phát sáng có hiện tượng tôm chết ở đáy ao và số lượng tôm chết nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ cảm nhiễm của dịch bệnh. Tôm nhiễm bệnh có đặc điểm chung là vỏ và thân có màu bẩn, cơ có màu đục, gan teo, khả năng bắt mồi giảm, ruột rỗng, tôm phản xạ chậm chạp. Hiện tượng phát sáng dễ nhận biết khi quan sát tôm trong bóng tối. Các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn, pH, sự tích tụ các chất hữu cơ sẽ ảnh hưởng đến sự sinh sản, lây lan và mức độ cảm nhiễm của loại vi khuẩn này. Vi khuẩn vibrio harveyi gây bệnh phát sáng trên tôm sú sống dưới nước và phân chia tế bào rất nhanh ở độ mặn từ 0-40‰, vi khuẩn phát triển mạnh khi nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra, vi khuẩn phát triển tốt trong môi trường nước có hàm lượng chất hữu cơ cao, hàm lượng oxy thấp. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể tôm chúng tấn công vào tế bào gan, làm cho gan tôm bị viêm, việc tiêu hóa của tôm không bình thường, tôm bị suy yếu và chết dần. Để phòng trị bệnh phát sáng trên tôm sú nuôi, cần phải áp dụng các biện pháp như sau:

 

Điều chỉnh độ mặn: Vi khuẩn vibrio harveyi phát triển mạnh ở môi trường có độ mặn 20-30‰, nếu độ mặn giảm thấp còn 5-7‰ thì mật độ vi khuẩn vibrio harveyi giảm rõ rệt. Hạ độ mặn là biện pháp ức chế khả năng phát triển vi khuẩn phát sáng.

 

Nhiệt độ nước: Nhiệt độ nước tăng cao là điều kiện tốt cho vi khuẩn vibrio harveyi phát triển, nhất là vào mùa hè. Để hạn chế khả năng tăng nhiệt, cần duy trì mức nước trong ao nuôi đạt độ sâu từ 1,2-1,5m, đồng thời gây màu nước, giữ độ trong từ 30-40cm. Nước có màu như mái nhà che nắng hạn chế được sự tăng nhiệt vào ban trưa.

 

Làm giảm chất hữu cơ có trong nước: Các chất hữu cơ có trong môi trường nước là do xác các phiêu sinh thực vật chết lắng tụ, lượng thức ăn dư thừa, các chất thải của tôm. Vì vậy trước mỗi vụ nuôi phải cải tạo ao thật kỹ, vét sạch bùn đáy, bón vôi, phơi ao khoáng hóa nền đáy tiêu diệt mầm bệnh. Trong khi nuôi cần quản lý tốt lượng thức ăn hàng ngày, thường xuyên kiểm tra sàng ăn để đánh giá khả năng bắt mồi, kịp thời điều chỉnh thức ăn hợp lý, không để tảo tàn đồng loạt làm mất màu nước, tăng lượng hữu cơ. Phát triển nhóm tảo lục (chlorella) cũng có tác dụng khống chế sự phát triển của vi khuẩn vibrio harveyi. Ngoài ra, phiêu sinh thực vật trong quá trình hấp thụ ánh sáng mặt trời quang hợp sẽ tạo ra oxy cho tôm, hấp thụ CO2 làm môi trường nước được cải thiện tốt hơn.

 

Sử dụng hóa chất diệt vi khuẩn (xử lý nước trước khi thả tôm): Những hóa chất có thể sử dụng để diệt vi khuẩn hoặc làm giảm sức hoạt động của vi khuẩn phát sáng trong nước như: chlorine 30g/m3, BKC 1-2g/m3, thuốc tím 4-5g/m3. Tuy nhiên khi hóa chất hết tác dụng thì những ổ vi khuẩn phát sáng còn sót lại sẽ phát triển nhanh về số lượng. Do đó việc dùng hóa chất phải duy trì thường xuyên mới có kết quả.

 

Sử dụng kháng sinh: Việc sử dụng kháng sinh trị bệnh phát sáng chỉ có kết quả khi nào ta kiểm tra phát hiện sớm tôm bị nhiễm bệnh và xử lý thuốc kịp thời, đúng liều lượng. Vì ở giai đoạn này tôm ở ao nuôi còn ăn thức ăn, khả năng đưa thuốc vào cơ thể tôm có thể thực hiện được. Các loại kháng sinh được dùng là: Oxytetracyline + Bactrim (tỉ lệ 1:1) nồng độ từ 1-3ppm (g/m3); Erytromycine + Rifamycine (tỉ lệ 5:3) nồng độ từ 1-2ppm (g/m3); Erytromycine + Bactrim  (tỉ lệ 1:1) nồng độ từ 1-3ppm (g/m3)… Đối với ao nuôi tôm thịt, việc sử dụng kháng sinh trị bệnh phát sáng sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn kém do số lượng thuốc sử dụng cho cả ao và duy trì từ 5-7 ngày.

 

Để phòng bệnh phát sáng cho tôm nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp từ khâu chọn giống ban đầu, cải tạo ao, loại bỏ hết các chất hữu cơ vào đầu vụ, thực hiện nuôi tôm trong độ mặn thấp, giữ nước có màu xanh vỏ đậu, hạn chế khả năng tăng cao nhiệt độ, không để ăn dư thức ăn, tăng cường sức khỏe tôm nuôi bằng thức ăn giàu dinh dưỡng và vitamine.

 

(Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek