Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Phú Yên có điều kiện phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng. Vì vậy việc quy hoạch sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất là vấn đề được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.
Đất ở đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa) có mức giá cao nhất. - Ảnh: P.NAM |
NHU CẦU GIAO DỊCH TĂNG
Theo kết quả điều tra, giá đất ở khu vực nông thôn năm 2011 được điều chỉnh tăng ở 365 đường, đoạn đường, khu vực, với 1.460 vị trí. Mức tăng giá đất trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 20.000 đồng/m2 đến 200.000 đồng/m2. Sở Tài nguyên - Môi trường đã có tờ trình trình UBND tỉnh đề nghị ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh năm 2011. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ra Nghị quyết triển khai thực hiện.
Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã đầu tư, nâng cấp các đô thị tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đầu tư xây dựng nhiều dự án lớn. Kéo theo đó là nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng, hình thành và phát triển thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhà ở; nhu cầu thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ tăng mạnh. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, so với năm 2009, nhu cầu chuyển nhượng đất ở năm 2010 tăng cả về số lượng và giá trị giao dịch. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 4.000 trường hợp chuyển nhượng bất động sản và hơn 3.400 trường hợp thế chấp bằng QSDĐ để vay vốn.
Từ nhu cầu thực tế và trên cơ sở giá đất năm 2011 do UBND tỉnh ban hành, Sở Tài nguyên - Môi trường, các ngành, địa phương đã điều tra, khảo sát trên 3.500 thửa đất tại 91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giá đất được tính theo các loại: giá đất thị trường (bao gồm cả giá đất giao dịch trên sàn bất động sản); giá đất thông qua đấu giá; giá đất được xác định lại sau khi tính tiền sử dụng đất, thuê đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Ông Nguyễn Viết Của, Giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện Sơn Hòa cho biết, đã tổ chức điều tra giá đất tại 7 xã, thị trấn, với 210 phiếu, trong đó đất ở đô thị 50 phiếu, đất ở nông thôn 140 phiếu, đất sản xuất nông nghiệp 20 phiếu. Công tác điều tra tiến hành khá thuận lợi, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, cũng như nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân.
Từ kết quả điều tra, kết hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội, môi trường đầu tư, tình hình thực hiện các chính sách tài chính về đất đai, hoạt động của các tổ chức và đời sống hộ gia đình, cá nhân… làm cơ sở điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tế.
GIÁ ĐẤT TĂNG TỐI THIỂU 7%
Trên cơ sở kết quả điều tra mới và bảng giá đất năm 2010, Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị tăng giá đất gần 837 vị trí, thuộc 209 đường, đoạn đường. Mức tăng cao nhất 3,2 triệu đồng/m2 (thuộc vị trí 1 đường Hùng Vương, đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Huệ từ 6,8 triệu đồng/m2 lên 10 triệu đồng/m2. Các vị trí khác trong phạm vi điều chỉnh tăng 10-50%.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường, qua điều tra giá đất tại 9 huyện, thị xã, thành phố cho thấy: Trong số 1.871 thửa đất sản xuất nông nghiệp được điều tra tại 91 xã, phường, thị trấn, giá đất thị trường ở khu vực đồng bằng cơ bản phù hợp với bảng giá đất năm 2010. Tuy nhiên, ở các xã miền núi, giá đất trồng lúa nước, trồng cây hàng năm tăng 7-50% so với giá đất cùng loại năm 2010. Một số địa bàn, giá đất thị trường trồng cây hằng năm thấp hơn so với giá đất năm 2010. Cụ thể, tại huyện Sơn Hòa, giá 1m2 đất trồng cây hàng năm theo thị trường 7.000-8.000 đồng, trong khi đó giá đất UBND tỉnh quy định tại khu vực này là 10.000 đồng/m2. Ngược lại, giá đất trồng lúa nước trên thị trường lại cao hơn giá quy định.
Đối với đất ở nông thôn, qua điều tra 979 thửa tại 68 xã, phường, thị trấn, giá đất cao nhất 2,5 triệu đồng/m2, thuộc địa bàn xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa). Các thửa đất có giá tăng, mức tăng 11-100% so với giá quy định. Tại khu vực đô thị, qua điều tra 655 thửa trên địa bàn 22 phường, thị trấn cho thấy, giá đất cao nhất thuộc vị trí 1 đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa), đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Huệ, với 18 triệu đồng/m2 và thấp nhất 50.000 đồng/m2 thuộc thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh). Ông Nguyễn Viết Của cho biết, giá đất khu vực miền núi cũng tăng so với năm 2010. Cụ thể, giá đất trên đường Trần Phú (thị trấn Củng Sơn) năm 2010 theo quy định 450.000 đồng/m2, qua điều tra tăng khoảng 200.000 đồng/m2.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, giá đất năm 2011 cơ bản vẫn như giá đất của năm 2010, ngoại trừ điều chỉnh tăng - giảm tại một số đoạn, tuyến đường, khu vực, đồng thời bổ sung bảng giá đất cho một số đoạn, tuyến đường, khu dân cư mới hình thành. Ông Lê Văn Thứng, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường cho biết: “Giá đất ở khu vực đô thị thực tế chuyển nhượng có tăng so với giá hiện hành, chủ yếu ở một số tuyến đường, khu vực có khả năng sinh lợi cao và một số tuyến đường, khu vực mới quy hoạch đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, một số tuyến đường không điều tra hoặc không có giao dịch nhưng giá đất vẫn điều chỉnh theo hướng tăng nhằm khắc phục sự chênh lệch giá giữa các đoạn đường, tuyến đường tiếp giáp và các tuyến đường có điều kiện hạ tầng, sinh lợi”.
PHƯƠNG