Thứ Tư, 27/11/2024 09:41 SA
Liên lạc của ngư dân trên biển vẫn rất...“nghiệp dư”
Chủ Nhật, 27/08/2006 07:25 SA

Đối với ngư dân hoạt động nghề cá trên biển, thông tin liên lạc giữa đất liền và những người đi biển là vấn đề sống còn. Nhiều sinh mạng ngư dân bị cướp đi chỉ vì thiếu phương tiện thông tin liên lạc. Thế nhưng có một thực tế hiện nay là đa số ngư dân Phú Yên sử dụng máy vô tuyến điện để làm phương tiện thông tin liên lạc trên tàu thuyền không đúng tiêu chuẩn.

 

060826-may-VTD.jpg

Hầu hết phương tiện liên lạc giữa ngư dân trên biển và đất liền không đúng tiêu chuẩn - Ảnh: Q.THUẦN

Theo thống kê của Sở Thuỷ sản Phú Yên, trong số tàu có công suất từ 45CV trở lên ở Phú Yên chỉ có khoảng 70% có máy bộ đàm, 15% có máy liên lạc tầm xa. Đa phần những tàu cá có công suất nhỏ, hệ thống thông tin liên lạc hầu như không có. Trong khi đó, khu vực biển Phú Yên và các tỉnh miền Trung thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới nên khi gặp sự cố trên biển các tàu thuyền này thường không đủ các phương tiện để tự cứu mình hay yêu cầu trợ giúp. Tuy nhiên, đến nay việc trang bị máy bộ đàm trên tàu cá chưa có sự thống nhất chung. Ngư dân thường mua các loại máy bán tự do trên thị trường, không đăng ký tần số, không biết quy trình sử dụng, nguồn điện dự phòng không đảm bảo nên dễ gây hỏng hóc. Các máy này cũng chưa được “hoà mạng” theo quy ước hàng hải quốc tế, cơ bản chỉ liên lạc với gia đình và một số tàu với nhau theo thói quen. Đa phần ngư dân chưa biết được tần số liên lạc nào dành cho cấp cứu, cách thức nào để thực hiện một cuộc gọi cấp cứu (tên tàu, tên đài…) để yêu cầu có sự trợ giúp khi có sự cố trên biển.

 

Ông Nguyễn Mười, ngư dân ở thôn Phú Thọ 2, xã Hoà Hiệp Trung (Đông Hòa) cho biết: “Tôi đầu tư trên 350 triệu đồng để đóng mới một chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Tuy vỏ tàu mới, nhưng các thiết bị trên tàu như máy định vị, bộ đàm liên lạc với đất liền và tàu khác…chúng tôi điều mua lại của một số ngư dân đã qua sử dụng. Việc sử dụng cũng chỉ biết qua kinh nghiệm của một số người khác chứ chưa một tài liệu nào hướng dẫn cụ thể”. Trường hợp của ông Mười cũng là tình trạng chung của hầu hết tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở Phú Yên hiện nay. Ông Trần Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát tần số khu vực VII, cho biết: “Mới đây đơn vị đã phối hợp với Sở Bưu chính – Viễn thông Phú Yên đã tiến hành khảo sát trên 400 ngư dân. Mặc dù có trang bị máy bộ đàm trên tàu, nhưng chưa đến 50% ngư dân biết cách liên lạc với Trung tâm cứu nạn trên biển. Điều này cho thấy, ngư dân hầu như chưa có ý thức về việc sử dụng tần số vô tuyến điện, thậm chí một số tàu sử dụng tần số cấp cứu để liên lạc với nhau làm ảnh hưởng đến việc trực canh nghe của đài. Qua kiểm tra tần số phát sóng của 14 tổ chức, cá nhân có đến 8 trường hợp vi phạm chưa được cấp phép sử dụng tần số”.

 

Hiện nay, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã lắp đặt 3 đài trực canh chuyên phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ – cứu nạn trên biển, tại các trạm Kiểm soát biên phòng Đà Rằng (phường 6 – TP Tuy Hòa), Đồn Biên phòng 348 (An Ninh Đông, Tuy An) và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (05 Độc Lập – TP Tuy Hòa). Tần số máy trực canh sử dụng chế độ liên lạc US, sóng ngày: 9030 KHz, sóng đêm: 6820KHz sử dụng máy vô tuyến điện sóng ngắn loại I com 718. Thời gian thu phát hàng ngày bình thường vào lúc 15 phút đầu giờ và khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc xảy ra tai nạn tất cả các đài mở máy trực canh liên tục 24/24 giờ.

Hiện nay, một số chủ tàu lớn hoặc một nhóm các tàu liên kết xây dựng một mạng thông tin liên lạc riêng gồm đài bờ và đài tàu nhằm điều hành hoạt động đánh bắt và liên lạc nhau khi gặp sự cố. Đây là một hình thức tự ứng cứu và hỗ trợ nhau giữa các tàu cá hiệu quả nhất nhưng do việc xây dựng các mạng một cách tự phát, không có quy hoạch cụ thể nên thường gây nhiễu cho các tầng số khác… Những khó khăn trên cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn trên biển cho ngư dân.

 

Theo Cục kiểm soát tần số khu vực VII, để giảm thiểu tại nạn của tàu thuyền đánh cá, đặc biệt là trong mùa mưa bão ngư dân và chủ tàu phải hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc trang bị, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc trên tàu. Ngành thuỷ sản cần tăng cường công tác tuyên truyền cách thức liên lạc qua sóng vô tuyến điện với các đài Thông tin Duyên hải, lực lượng Biên phòng nhằm tăng độ an toàn cho mỗi tàu thuyền ra biển của bà con ngư dân. Đồng thời công bố băng tần, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, điều kiện sử dụng thiết bị vô tuyến điện không cần cấp phép cho tàu thuyền để tạo sự đồng bộ giữa các mạng thông tin liên lạc của ngư dân phù hợp với từng loại ngành nghề và vùng biển. Ông Trần Tuấn Hùng cho biết thêm, hiện Trung tâm kiểm soát tần số khu vực VII đang nghiên cứu thiết bị vô tuyến điện có khả năng thu, phát sóng mạnh ứng với các dải băng tần rộng nhằm giúp tàu thuyền đánh bắt xa bờ có thể liên lạc bất cứ lúc nào, kể cả khi tàu thuyền đang nằm trong vùng mưa bão. Tuy nhiên để  loại thiết bị này sử dụng rộng rãi phải mất ít nhất 3 năm nữa vì đòi hỏi có thời gian thử nghiệm.

 

NGUYỄN QUANG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek