Thứ Tư, 27/11/2024 09:40 SA
Sơn Hòa: Dân đổi đời nhờ cây mía
Thứ Bảy, 26/08/2006 08:40 SA

Hơn 10 năm kiên trì đưa cây mía trở thành cây trồng chủ lực,  huyện Sơn Hòa đã tạo được vùng nguyên liệu mía lớn nhất tỉnh Phú Yên. Cây mía đã thật sự là “cây xoá đói giảm nghèo”, giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở huyện miền núi này.

 

Vụ mía đường 2005- 2006 vừa qua, có thời điểm nhà máy đường KCP Sơn Hoà đã nâng giá mua nguyên liệu lên 600.000 đồng/tấn, giá cao nhất từ trước đến nay mà người dân vùng mía Sơn Hoà biết đến. Một vụ mía thắng lợi đang khuyến khích người dân đầu tư mở rộng diện tích trồng mía. Trong những tháng qua, toàn huyện đã có thêm 1.500 ha đất nương rẫy được chuyển sang trồng mía, đưa diện tích mía của huyện lên trên 7.660 ha, chiếm đến 40% diện tích trồng mía của tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Cao Minh Hòa giãi bày: Đối với một huyện miền núi như Sơn Hoà có hơn 40% đất canh tác nông nghiệp được đưa vào trồng mía thì đây là một năm bội thu đối với người dân địa phương. Tính ra mỗi ha mía, người dân lãi từ 15 đến 20 triệu đồng, là khoản thu nhập đáng kể của bà con nông dân. Đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số giàu lên nhờ cây mía như Sô Minh Lộc (Sơn Phước), Ma Tồng (Suối Bạc), Ma Dõ, Ma Ten (Ea Chàrang)… Anh bảo, với đặc thù của huyện có hơn 70 % hộ dân trồng mía, nếu giá mía tiếp tục ổn định như năm nay thì việc xoá đói giảm nghèo của Sơn Hoà sẽ trở nên đơn giản rất nhiều.

 

060826-mia-Son-Hoa.jpg

Thu hoạch mía ở xã Sơn Hà – Ảnh: N.T

 

Về Sơn Nguyên, nơi dẫn đầu cả huyện về diện tích lẫn năng suất mía và hầu hết hộ dân trong xã đều có đất trồng mía, bình quân 1,5 ha/ hộ, chúng tôi thấy rõ điều đó. Dọc trục đường chính ngang qua xã xuất hiện nhiều ngôi nhà mới xây. Những ngôi nhà mới mọc lên chẳng những làm cho diện mạo xóm làng thêm tươi sáng mà còn là tín hiệu vui của một vùng quê đang “ăn nên làm ra” từ cây mía. Không kể lượng mía chế biến thủ công, niên vụ này, người dân trong xã đã cung cấp cho Nhà máy đường Sơn Hoà gần 41.000 tấn, trị giá hơn 20 tỷ đồng. Còn nhớ trước đây, Sơn Nguyên là điểm kinh tế mới thu hút cư dân của nhiều vùng đến lập nghiệp, đời sống hết sức khó khăn. Trong lớp cư dân đó phần đông là người Quảng Ngãi. Chính họ là những người đưa cây mía về vùng đất màu mỡ này. Đất trong xã không đủ, nhiều hộ qua các xã lân cận lập trang trại trồng mía rộng hàng chục ha, tiêu biểu như các ông Đoàn Đắc Miên, Đinh Văn Nhân, Trần Văn Bàng... Vụ mía này, những hộ đó thu về 3- 4 trăm triệu đồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Văn Thời phấn khởi bảo: Chưa có lúc nào người dân trồng mía chúng tôi “trúng” như năm nay, trong xã có 20% hộ thu nhập trên 50 triệu đồng/năm từ cây mía. Riêng bản thân gia đình ông có 8 ha mía trồng lưu gốc đã 5-6 năm nhưng vẫn thu hoạch hơn 500 tấn bán cho nhà máy đường, trừ các khoản chi phí còn lãi trên 150 triệu đồng. Rõ ràng cây mía chẳng những là cây xoá đói giảm nghèo mà thật sự đã trở thành cây làm giàu đối với nhiều người dân ở xã miền núi này.

 

Cây mía thật sự bén rễ sâu rộng trên đất Sơn Hoà khi nhà máy đường Tuy Hoà đi vào hoạt động (1995). Lúc đó, Đảng bộ huyện Sơn Hoà xác định cây mía là đối tượng chuyển đổi cây trồng, là cây xoá đói giảm nghèo của nhân dân trong huyện. Gắn với định hướng đó, các nguồn vốn thuộc các chương trình, mục tiêu của huyện đều ưu tiên hỗ trợ người dân phát triển cây mía. Nhờ vậy chỉ vài năm sau đó, cây mía từ Sơn Nguyên đã nhanh chóng lan rộng đến tất cả 14 xã, thị trấn trong huyện kể cả những buôn làng có phần lớn người dân tộc thiểu số sinh sống mà trước đó chưa từng làm quen với cây công nghiệp này. Đến niên vụ 1998- 1999, toàn huyện đã có hơn 5.350 ha mía, chiếm gần 1/3 diện tích mía của tỉnh. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm ngành sản xuất mía đường gặp khó khăn. Nhà máy đường Tuy Hoà không tiêu thụ hết lượng mía, một số diện tích không thu hoạch kịp phải đốt bỏ. Trước sự “khủng hoảng thừa” nguyên liệu đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn đã về đây vận động người dân chuyển đổi cây trồng, song không ai từ bỏ cây mía. Người dân những vùng mía truyền thống như Sơn Nguyên, Sơn Hà quay trở lại nghề chế biến thủ công, lấy công làm lời để duy trì diện tích mía. Năm 2000, nhà máy đường có công suất 2.500 tấn/ngày (100% vốn nước ngoài) của Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam (KCP VIL) di dời từ Thừa Thiên- Huế vào đã tạo cơ hội cho cây mía Sơn Hoà hồi sinh. Liên tục từ năm 2002, diện tích mía Sơn Hoà không ngừng được mở rộng, bước đầu đã hình thành những vùng chuyên canh mía có tưới cho năng suất 80- 100 tấn/ha.

 

Còn đối với KCP VIL, thông qua mua mía mỗi vụ đưa đến cho người nông dân hàng trăm tỷ đồng và có những đóng góp nhất định cho địa phương. Ông Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp KCP Việt Nam, K.V.S.R.Subbaiah cho biết: Bên cạnh giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động tại Nhà máy với mức lương bình quân 1,3 triệu đồng/tháng, từ khi đi vào hoạt động đến nay, KCP VIL đã đầu tư 102,6 tỷ đồng cho bà con trồng mía, đóng góp 805 triệu đồng tu sửa giao thông nông thôn, xây dựng 8 nhà tình nghĩa và ủng hộ các hoạt động từ thiện khác 516 triệu đồng. Công ty đã nộp các khoản thuế hơn 46,6 tỷ đồng được Bộ Tài chính tặng bằng khen về thực hiện tốt nghĩa vụ thuế và được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương. Từ sản xuất kinh doanh có hiệu quả trong các năm vừa qua, chúng tôi đã được Hội đồng quản trị cho phép đầu tư 135 tỷ đồng để mở rộng công suất nhà máy đường Sơn Hoà lên 4000 tấn/ngày vào niên vụ 2006- 2007, nâng công suất nhà máy đường Đồng Xuân lên 1000 tấn/ngày vào niên vụ 2007- 2008 và triển khai dự án phối hợp phát điện với công suất 6 MW vào năm 2007. Để có đủ nguyên liệu theo yêu cầu nâng cấp các nhà máy đường, chúng tôi đang phối hợp với các địa phương đầu tư vào các dự án chuyên canh mía tưới tiêu cho 1000 ha thuộc các xã Sơn Hà, Suối Bạc, 500 ha ở xã Krông Pa (Sơn Hoà), 360 ha ở xã Xuân Quang 1 (Đồng Xuân) và 400 ha ở xã Hoà Hội (Phú Hoà) nhằm xây dựng vùng nguyên liệu mía rọâng 14.000 ha đạt sản lượng 550.000 tấn vào niên vụ 2007- 2008.

 

Vấn đề đang đặt ra cho KCP VIL lúc này là cần thực hiện tốt hơn nữa chính sách tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng tăng cường đầu tư và chuyển giao kỹ thuật cho người trồng mía, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở bảo đảm lợi ích của người trồng mía, KCP VIL phối hợp với chính quyền địa phương đầu tư hạ tầng kỹ thuật về thuỷ lợi, giao thông nội đồng cũng là điều kiện cần thiết để phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho Nhà máy KCP Sơn Hòa.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek