Không có gì phải bàn cãi, hệ kinh tế sinh thái VAC (vườn + ao + chuồng) có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong bối cảnh những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, hệ kinh tế sinh thái VAC còn giúp bảo vệ môi trường, tránh những tác động tiêu cực lên đất, nước nhờ quy trình tái sinh năng lượng không có vật thải. Vì thế, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC là rất cần thiết.
Trang trại VAC của ông Trần Phụng ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) đang phát huy hiệu quả kinh tế. - Ảnh: N.Q |
Vấn đề là, chúng ta cần có cái nhìn từ phía người làm vườn để hoạch định các giải pháp công nghệ, biện pháp kỹ thuật và tổ chức thực hiện để việc phát triển hệ kinh tế sinh thái VAC hiệu quả và bền vững. Để phát triển kinh tế sinh thái VAC, nhiều địa phương đã lập quy hoạch, kế hoạch nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sau mấy thập kỷ, đến nay những khiếm khuyết, hạn chế trong kinh tế vườn vẫn chưa được khắc phục; vẫn còn tình trạng manh mún, chắp vá, hàm lượng kỹ thuật áp dụng chưa cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do chúng ta chưa lập cái nhìn từ phía người làm vườn để từ đó có quy hoạch, kế hoạch chuẩn xác. GS. TSKH Trần Thế Tục, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) nhận định, lâu nay việc quy hoạch của các địa phương còn dựa theo ý kiến chỉ đạo là chính, chưa bám sát tình hình thực tế, chưa nhìn dưới góc độ của người làm vườn, dẫn tới việc quy hoạch bất hợp lý, không đánh thức được tiềm năng, tận dụng các điều kiện thuận lợi. Chưa kể tới việc xây dựng hàng loạt nhà máy chế biến trái cây không gắn với vùng nguyên liệu đã gây nên lãng phí lớn. Nhiều nhà máy chế biến thường xuyên hoạt động không hết công suất...
Do sản xuất trái cây còn phân tán, chưa tập trung nên chúng ta không có đủ lượng hàng thường xuyên phục vụ xuất khẩu. Nếu đứng về phía người nông dân thì câu hỏi đặt ra là, tại sao các doanh nghiệp không cùng nông dân xây dựng vùng chuyên canh, lời cùng ăn, lỗ cùng chịu? Nếu bao tiêu sản phẩm bằng những hợp đồng có lợi cho cả người làm vườn và doanh nghiệp thì chắc chắn chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng sản xuất trái cây manh mún như hiện nay. Song để làm được điều này, rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học. Đáng buồn là từ trước tới nay chúng ta vẫn chưa có mô hình liên kết “4 nhà” nào mang lại sức thuyết phục cao.
Qua đó có thể khẳng định, giải pháp khoa học và khả thi nhất hiện nay là các địa phương nên xây dựng vùng chuyên canh một vài loại trái cây có giá trị hàng hóa vượt trội, triển khai thực hiện theo mô hình vườn đa canh để tạo thế bền vững. Hiện đã có nhiều mô hình vườn cây ăn quả sản xuất đa canh được tổng kết, chứng minh hiệu quả và được nhân rộng. Điển hình là Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền
Vườn đa canh, nhất là VAC là giải pháp đã được nông dân tiếp nhận và thực hiện từ lâu, mang lại hiệu quả bền vững không chỉ về mặt kinh tế mà còn có môi trường. Với hiệu quả kinh tế do mô hình VAC mang lại, nông dân rất mong muốn được hỗ trợ, đầu tư để hoàn thiện và mở rộng mô hình hơn nữa, nhất là được đào tạo, tiếp nhận giống và kỹ thuật tiên tiến.
Vườn không chỉ đảm nhiệm việc cung cấp các vitamin, chất khoáng, chất xơ, là một trong bốn nhóm thức ăn không thể thiếu trong bữa ăn thường ngày mà trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, nước biển dâng cao, khô hạn và ngập úng khắc nghiệt hơn, khi diện tích sản xuất cây lương thực thực phẩm bị thu hẹp lại... thì vườn phải vươn lên bổ sung cho nhiệm vụ của ruộng. Nhóm thức ăn dầu mỡ thực vật và động vật; nhóm thức ăn chứa đạm chủ yếu từ chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản đang được thực hiện mạnh mẽ trong vườn, do vậy, hơn lúc nào hết, việc phát triển hệ kinh tế sinh thái VAC cần phải được phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
(KTNT)