Chủ Nhật, 06/10/2024 23:27 CH
Xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa):
Rau, quả bị bệnh khảm, nông dân trắng tay
Thứ Hai, 29/11/2010 13:30 CH

Từ đầu tháng 3/2010, các ruộng rau màu của nông dân xã Hòa Kiến xuất hiện loài rầy phấn trắng gây bệnh khảm, khiến nhiều nông dân trắng tay. Hiện người dân ở đây rất hoang mang khi thời điểm xuống giống vụ rau tết sắp đến mà họ chưa có cách phòng trừ hiệu quả loại bệnh này.

 

DL101129.jpg

Ruộng dưa leo của chị Nguyễn Thị Lan, thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến  đã bị vàng úa hết - Ảnh: T.HƯƠNG

 

Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hòa Kiến 1, Võ Kim Quy cho biết, bắt đầu từ tháng 3 năm nay tại nhiều ruộng rau quả của bà con, chủ yếu dưa leo và bí xanh xuất hiện loài rầy phấn trắng gây bệnh khảm. Loài rầy này có kích thước nhỏ và bay nhanh hơn loài rầy thông thường. “Lần đầu tiên tôi phát hiện được chúng là ở trên đám bí xanh của gia đình ông Nguyễn Văn Thọ ở thôn Sơn Thọ. 3 ngày sau,  gần như cả đám bí 2 sào của gia đình ông Thọ bị vàng hết lá, dây bị thun đọt, trái teo tóp… Không cứu được ruộng bí, gia đình ông Thọ phải nhổ bỏ. Sau đó, ông trồng lại 2 sào dưa leo trên diện tích cũ và lại bị dịch khảm”, ông Quy cho biết thêm.

 

Bệnh khảm do nhóm côn trùng chích hút như: rầy mềm, rầy xanh, bọ phấn, bọ trĩ, nhện... Chúng có khả năng truyền virus Cucumber Mosaic từ cây bệnh sang cây lành. Khi cây bị bệnh, lá cây bị biến dạng, sần sùi, đổi màu, có vùng màu xanh đậm, có vùng màu vàng nhạt, hoặc lá chuyển sang màu trắng; làm chùn đọt cây; trái cây bị sần sượng, teo tóp, năng suất thấp và phẩm chất rau quả giảm. Nếu cây bị hại nặng sẽ không có trái. Cây bị bệnh khảm rất khó phục hồi và không thể hồi phục như trạng thái ban đầu.

(Nguồn: Báo Nông nghiệp)

Theo nhiều nông dân trồng rau ở đây, bệnh khảm không phải là bệnh lạ. Mọi năm trước, loại bệnh này cũng đã xuất hiện nhưng vật trung gian truyền bệnh cho cây là loài bọ trĩ, một loài côn trùng chuyên hút mủ của cây và tác hại của nó gây nên không “khủng khiếp” như hiện nay. Ông Trần Hoàng Thảo, chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hòa Kiến 2 cho biết: “Mọi năm, khi những ruộng rau quả bị loại bệnh này, bà con phun thuốc trừ sâu liên tục trong vài ngày sẽ tiêu diệt hết bọ truyền bệnh, cây vẫn phát triển, ra trái bình thường, năng suất chỉ giảm từ 10-20%,”. Còn năm nay, hễ ruộng bí, dưa nào bị bệnh này thì gần như “trở tay” không kịp, chỉ trong vòng 3 ngày sau, cả ruộng bị úa vàng hết. Ông Đoàn Ngọc Châu ở thôn Sơn Thọ rầu rĩ: “Nhà tôi trồng rau màu đã gần chục năm, nhưng chưa có đợt dịch nào khủng khiếp như đợt dịch khảm lần này”. 2,5 sào dưa leo của gia đình ông đang thời kỳ trổ bông kết trái, hơn tuần nữa là có thể thu hoạch thì mắc bệnh. “Tôi đã phun thuốc trừ sâu và diệt được gần hết chúng nhưng chỉ 2 ngày sau chúng lại có đầy ruộng, lần này còn nhiều gấp đôi lần trước và chỉ trong vòng một tuần cả ruộng dưa gần như úa vàng, trái “đèo đọt”, đành dỡ bỏ cả giàn. Hơn 5 triệu tiền vốn mất sạch!”- ông Châu kể.

 

Từ đầu năm đến nay, gần như tất cả những ruộng dưa leo và bí xanh ở xã Hòa Kiến đều bị dịch khảm. Khi đã “dính” loại bệnh này thì chỉ còn cách nhổ bỏ. Điều đặc biệt là loài rầy phấn trắng gây bệnh khảm này chỉ xuất hiện khi cây đang vào thời điểm đậu trái (khoảng 1 tháng sau khi gieo giống). Chị Nguyễn Thị Lan ở  thôn Cẩm Tú buồn bã nói: “Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi mất trắng 8 sào bí xanh và dưa leo vì bệnh này. Ruộng dưa 5 sào đang vào vụ thu hoạch thì dính bệnh. Chưa đầy tuần sau, dưa vàng úa, thiệt hại hơn 20 triệu đồng”.

 

Theo những nông dân ở địa phương, có hơn 90% ruộng dưa leo, bí xanh bị dịch khảm tấn công. Số ít hộ tránh được đợt dịch này là vì ruộng dưa của họ nằm ở vùng đất mới, chỉ mới canh tác vài mùa nên các đối tượng thiên địch trên ruộng chưa nhiều, ít dịch bệnh.

 

 Trưởng Trạm bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa Nguyễn Thị Lơn cho biết: “Bệnh khảm do nhóm côn trùng chích hút dịch cây gây hại, phần lớn chúng kháng thuốc rất mạnh. Để hạn chế dịch bệnh, người nông dân cần thực hiện tốt mọi khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Chẳng hạn, bà con nên luân canh cây trồng thường xuyên, nhất là trên đất lúa; tránh trồng gối vụ; sau mỗi mùa cần vệ sinh đồng ruộng và tiêu hủy tàn dư thực vật. Trong xử lý dịch bệnh cho ruộng rau,  người trồng nên thường xuyên thay đổi các loại thuốc khác nhau và dùng đúng liều lượng để đạt hiệu quả cao nhất”.

 

TUYẾT HƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek