Thứ Ba, 08/10/2024 23:53 CH
Hỗ trợ phát triển sản xuất ở huyện Sông Hinh:
Chương trình hợp lòng dân
Thứ Bảy, 30/10/2010 14:00 CH

Các chương trình, dự án được Nhà nước đầu tư đã và đang giúp đời sống người dân huyện miền núi Sông Hinh cải thiện đời sống, trong đó có chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất.

 

may-gao101030.jpg

Bà con đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh chủ động vận hành máy xay sát nông sản tại chỗ - Ảnh: P.NAM

 

GIẢM TỈ LỆ HỘ NGHÈO…

 

Qua 5 năm triển khai dự án (2006 – 2010), chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đã đầu tư gần 4,5 tỉ đồng cho hơn 5.000 hộ dân được hưởng lợi. Trong đó có 57 máy móc, công cụ hỗ trợ phát triển sản xuất; 83 tấn phân bón; 35 tấn giống lúa, bắp; hơn 230 con bò giống, heo giống và hơn 200.000 cây giống các loại. Đầu năm 2010, ông Lê Mô Y Kèn ở thôn Suối Dứa (xã Sông Hinh) được hỗ trợ 2,5 triệu đồng, gia đình đầu tư thêm 3 triệu đồng mua một con bò cái tự chọn, nay đang gần đến kỳ sinh sản. Y Kèn cho biết: “Thật không gì bằng là được mua bò chọn lựa theo ý mình. Tôi biết “tạng” con bò này sẽ phát triển tốt, hy vọng sẽ mang lại hiệu quả về sau”.

 

Ngoài hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, các ngành chức năng cũng đã triển khai hàng trăm lớp tập huấn hướng dẫn người nghèo biết cách làm ăn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông qua các mô hình phát triển nông, lâm nghiệp… Chương trình đã giúp các hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có cơ hội thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, chủ động áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực cải thiện đời sống, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chương trình 135 giai đoạn I đã góp phần đáng kể trong việc vực dậy và tạo đà phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp đến, Chương trình 135 giai đoạn II là nguồn lực dồi dào thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng toàn diện, nhờ vậy mà đời sống vật chất, tinh thần của bà con được đổi thay rõ nét”.

 

Từ năm 2006 – 2010, chương trình 135 cùng với các nguồn vốn khác đã tác động tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm thay da đổi thịt bộ mặt nông thôn miền núi Sông Hinh. Năm 2006, tỉ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn còn hơn 1.300 hộ, thì đến năm 2010 số hộ nghèo giảm xuống còn 1.114 hộ, chiếm tỉ lệ khoảng 30% và tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện chỉ còn 3.139 hộ trên tổng số 45.352 dân số toàn huyện.

 

TRAO QUYỀN CHO NGƯỜI DÂN

 

Năm 2010 Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tiếp tục triển khai hỗ trợ 5 máy cày, 2 máy xay gạo và tuốt lúa, 156 con bò, gần 100 con heo và hàng chục tấn phân bón, với tổng nguồn vốn gần 1,2 tỉ đồng từ vốn Chương trình 135 giai đoạn II. Bên cạnh đó, nguồn vốn của tỉnh cũng đã hỗ trợ 6 máy cày và 67 con bò, tổng kinh phí 500 triệu đồng cho hơn 200 hộ ở buôn Mùi (xã Ea Trol), thôn Suối Biểu (xã Sơn Giang), buôn Mả Vôi, Quang Dù (xã Đức Bình Tây), thôn Bình Giang (xã Đức Bình Đông) và hàng trăm hộ nghèo ở các xã Sông Hinh, Ea Ly, Ea Bar, Ea Lâm… quản lý sử dụng. Điều đáng nói là toàn bộ máy móc phục vụ phát triển sản xuất, cây, con giống, phân bón… người dân được quyền tự lựa chọn sao cho phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, công năng, hiệu quả sử dụng thông qua khâu kiểm định chất lượng kỹ thuật và giá cả của các ngành chức năng trước khi triển khai thực hiện. Đây là chủ trương, hướng đi mới trong công tác hỗ trợ phát triển sản xuất ở huyện Sông Hinh được người dân hoan nghênh hưởng ứng. Ma Rét, trưởng buôn Gao, người đại diện cho nhóm 11 hộ nhận quản lý 1 máy cày trong đợt này phấn khởi cho biết: “Lâu nay, người dân nhận máy móc, con giống từ các ban ngành, địa phương bàn giao mà không biết nguồn gốc. Nay họ được quyền lựa chọn theo nhu cầu, sở thích phù hợp với điều kiện, tình hình thời tiết, đất đai thổ nhưỡng, đã giải quyết được khâu bị động, tự chủ hơn trong sản xuất mùa vụ và chăm sóc tốt hơn cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, người dân còn được tập huấn hướng dẫn sử dụng, khắc phục sự cố hư hỏng máy móc thông thường…”. “Từ nay không còn phải lặn lội đi hàng chục cây số về trung tâm huyện xay gạo nữa. Máy tại chỗ, lúa, bắp trên nương, ngoài đồng mang về là có thể xay và ăn ngay được, cảm ơn Nhà nước nhiều lắm!”, ông Ma Ka ở buôn Thinh, xã EaTrol, người nhận quản lý, vận hành máy xay gạo bộc bạch.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Thanh Định, cách làm này thể hiện sự tôn trọng và quyền làm chủ của nhân dân, tránh xảy ra tình trạng tiêu cực, bớt xén trong quá trình cung cấp, hỗ trợ nông cụ, cây, con giống phục vụ sản xuất, gieo trồng đối với các ngành chức năng và địa phương. Chương trình này đã phát huy hiệu quả việc sử dụng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, máy móc... giải quyết phần nào những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm niềm tin vào sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.

 

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek