Việc các nhóm hộ nông dân tự nguyện xây dựng các tổ hợp tác kinh tế là phù hợp với nhu cầu và lợi ích sản xuất, góp phần khắc phục những hạn chế mà kinh tế hộ không thể vượt qua.
Nhiều hộ ngư dân ở phường 6 cùng nhau thành lập tổ hợp tác khai thác cá ngừ đạt hiệu quả
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên Nguyễn Ngọc Căn, hiện ở Phú Yên có 10 loại hình HTX đang hoạt động. Đó là: Tổ hợp tác kinh doanh tổng hợp nông lâm nghiệp; tổ hợp tác kinh doanh tổng hợp thủy hải sản; hợp tác chăn nuôi; hợp tác xây dựng và phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng và trang trại; hợp tác hoạt động dịch vụ phục vụ nông nghiệp; hợp tác khai thác thủy hải sản; hợp tác chế biến thủy hải sản; hợp tác nuôi trồng thủy hải sản; hợp tác sản xuất theo ngành nghề, hợp tác hoạt động xây dựng.
Do đặc điểm của tình hình kinh tế khác nhau, tính hấp dẫn có khác nhau, nhất là do tính nghề nghiệp yêu cầu, nên mức độ và số lượng tổ hợp tác cũng khác nhau. Hiện nay loại hình hợp tác có số lượng cao nhất là khai thác thủy hải sản, với 930 tổ chiếm 57,9% tổng số HTX của toàn tỉnh, thu hút 8.308 lao động và vốn đầu tư trên 94 tỉ đồng. Cùng với quá trình phát triển nghề nuôi tôm xuất khẩu ở 3 huyện Đông Hòa, Tuy An và Sông Cầu, bà con đã tự nguyện thành lập được hơn 150 tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản, thu hút 1.400 lao động với tổng vốn đầu tư 15,283 tỷ đồng, bình quân mỗi tổ có 106,13 triệu đồng. Các tổ hợp tác nuôi trồng đầu tư mạnh vào thâm canh, ứng dụng các phương pháp nuôi công nghiệp, bán công nghiệp có hiệu quả. Nhìn chung, các tổ hợp tác đều có mức thu nhập bình quân khá, thu nhập của mỗi hộ tham gia từ 10-60 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, đời sống của các thành viên các tổ hợp tác ngày một nâng lên, góp phần tạo ra giá trị hữu ích đối với sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Theo kết quả điều tra, khảo sát, tổng hợp từ các huyện, thị, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 1.606 tổ hợp tác tự nguyện của nông dân, thu hút 13.503 lao động trong đó khoảng 10.000 lao động là thành viên của các tổ hợp tác, còn lại là lao động khác được huy động tham gia. Tổng vốn huy động cho các hợp tác trên 156 tỉ đồng, trong đó vốn nội lực chiếm hơn 75% và gần 30% vốn vay, vốn huy động khác.
Sự hình thành và phát triển phong trào tổ hợp tác kinh tế tự nguyện trong nông dân phát triển mạnh và có hiệu quả là nhờ có chủ trương, chính sách đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Với tư cách là một tổ chức phát hiện, Hội Nông dân (HND) các cấp đã không ngừng nghiên cứu, tìm kiếm các điều kiện khả năng, vận động, hỗ trợ nông dân nhiều mặt để hình thành các tổ hợp tác. Vì thế phần lớn các tổ hợp tác tự mình gắn bó với HND, thông qua Hội để khai thác các điều kiện đầu tư phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Ngọc Căn đến nay mới có khoảng 25 tổ hợp tác đăng ký hoạt động, chỉ chiếm 1,6% tổ hợp tác có đủ tư cách pháp nhân hoạt động. Điều này đã tạo ra những khó khăn và thiệt thòi cho các tổ trong việc đầu tư phát triển kinh tế, và cũng tạo ra các trở ngại cho các địa phương trong quản lý, chỉ đạo nhiều mặt.
TRẦN AI