Thứ Tư, 09/10/2024 13:24 CH
Nuôi trồng thủy sản ở đầm ÔLoan (huyện Tuy An):
Bất chấp rủi ro
Thứ Bảy, 23/10/2010 11:00 SA

Môi trường nước ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An) đang bị ô nhiễm nặng, khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó, nhiều ngư dân bất chấp rủi ro vẫn nuôi thủy sản mà không tuân thủ quy trình kỹ thuật, khuyến cáo của ngành chức năng.

 

onhiem101023.jpg

Chợ được họp cặp bên đầm Ô Loan, người dân vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng - Ảnh: A.NGỌC

 

BIẾN ĐẦM THÀNH...HỐ RÁC

 

Hiện độ mặn tại các vùng nuôi An Hiệp, An Cư, An Hải thuộc đầm Ô Loan chỉ khoảng 26‰. Phát hiện ô nhiễm dinh dưỡng và vi sinh mức độ nhẹ ở vùng nuôi xã An Hiệp với các biểu hiện như hàm lượng phosphats cao, ô xy hòa tan giảm, vibrio trên ngưỡng cho phép. Hàm lượng ô xy hòa tan thấp còn được phát hiện tại vùng nuôi hai xã An Hải và An Cư, mặc dù thời điểm lấy mẫu trời không mưa, nắng gắt và mật độ tảo tại các điểm thu mẫu khá cao (màu nước xanh đậm). Mật độ vibrio tổng số tại vùng nuôi xã An Cư vượt gấp đôi ngưỡng cho phép đối với nước nuôi trồng thủy sản. Khuyến cáo người nuôi thủy sản ven đầm Ô Loan tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng bệnh tích cực cho tôm, cá nuôi và tăng cường sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý nước, bổ sung các loại khoáng và vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi.

(Trung tâm Giống và KTTS Phú Yên)

Từ lâu, đầm Ô Loan nổi tiếng với nguồn lợi thủy sản đa dạng, là nguồn thu nhập chính  của ngư dân các xã ven đầm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ở đây bị suy giảm đáng kể. Năm 2010, người nuôi trồng thủy sản ở khu vực đầm Ô Loan gặp nhiều bất lợi, môi trường nuôi không đảm bảo, dịch bệnh đối với thủy sản diễn biến phức tạp. Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, 10 năm trở lại đây, đầm Ô Loan có nhiều đợt bị ô nhiễm nghiêm trọng. Giữa tháng 5/2010, cá tự nhiên trong đầm chết hàng loạt, nguyên nhân do môi trường nước trong đầm bị ô nhiễm nặng. Tuy mức độ cá chết năm nay không nghiêm trọng như năm 1998, nhưng có sự trùng hợp là cũng xảy ra vào tháng 5, những ngày nước ròng (thủy triều xuống cạn) và nước có màu xanh lục đậm… Nếu những năm xảy ra ô nhiễm khiến cá chết thì ngư dân quanh vùng đánh bắt không hiệu quả. Ông Lê Tấn Niệm ở thôn Tân Quy, xã An Hải, cho biết: Trước đây, tôi chỉ làm nghề đăng, chấn, thu nhập mỗi ngày hơn 100.000 đồng. Nay ngoài các nghề trên tôi còn làm thêm nghề lưới nhưng thu nhập thấp hơn trước bởi thủy sản trong đầm đã cạn kiệt. Ông Lê Văn Phép, người cùng thôn với ông Niệm cho biết, ngoài nuôi thủy sản, lâu nay người dân ở đây còn sống bằng nghề đăng, chấn, chài, câu, thả lưới… Lượng cá, tôm trong đầm năm nay không nhiều, đánh bắt không hiệu quả nên hơn một nửa số hộ chuyển sang nghề khác.

Ông Nguyễn Vũ Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm môi trường nước ở đầm Ô Loan. Trong đó, có sự tích tụ, lắng đọng phù sa khiến đầm ngày càng cạn dần. Sự trao đổi nước trong đầm qua cửa biển Tân Quy hạn chế, bởi cửa biển này hẹp và thường xuyên bị bồi lấp và bị ảnh hưởng công trình cầu An Hải đang xây dựng. Thời gian gần đây, do mật độ nuôi trồng thủy sản trong đầm quá dày, phần lớn là hồ hở, nhiều hộ nuôi thủy sản không tuân thủ theo quy định nên lượng nước thải trực tiếp vào đầm rất lớn. Thêm vào đó, người dân sống quanh đầm vô tư vứt rác thải và xác động vật chết bừa bãi, khiến đầm càng ô nhiễm trầm trọng.

 

CHẤP NHẬN RỦI RO, CHỜ GIÁ

 

Đầm Ô Loan có diện tích tự nhiên khoảng 1.570ha, trong đó có khoảng 300ha mặt nước được người dân nuôi các loài thủy sản như ghẹ, sò huyết, hàu, tôm, cá… Trước mùa mưa bão năm nay, nhiều hộ nuôi thủy sản tranh thủ thu hoạch để tránh thiệt hại. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hộ tiếp tục thả nuôi và chờ giá lên cao mới xuất bán, mặc dù biết trước rủi ro. Ông Lê Văn Tiến ở thôn Tân Quy, xã An Hải, cho biết: “Vì bị thiệt hại trong đợt bão lụt hồi cuối năm 2009, nên năm nay gia đình tôi chỉ nuôi hơn 800 con cá mú và cá hồng. Hiện giá cá mú chỉ khoảng 160.000 đồng/kg, giá cá hồng hơn 110.000 đồng/kg nên chỉ xuất bán số ít cá lớn, số cá còn lại, tôi để bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”.

 

Ông Ngô Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: Xã hiện còn hơn 30 hộ nuôi khoảng 50 lồng cá mú, cá hồng, mỗi lồng 100 - 300 con tùy theo kích cỡ lồng lớn hay nhỏ chưa  thu hoạch. Để giảm nhẹ thiệt hại trong mùa mưa bão, ngoài công tác tuyên truyền về phòng chống lụt bão, địa phương đang vận động bà con sớm thu hoạch số cá đã đến kỳ thu hoạch. Hiện nay, việc trao đổi nguồn nước trong đầm với nước biển rất hạn chế do ảnh hưởng của công trình xây dựng cầu An Hải và cửa biển Tân Quy. Để tái tạo nguồn lợi thủy sản trong đầm đa dạng như trước đây, đồng thời giúp nguồn nước trong đầm được trao đổi và thoát lũ tốt, xã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thi công hai công trình cầu An Hải và dự án Nạo vét và thoát lũ cửa biển Tân Quy sớm hoàn tất việc thi công và đưa vào sử dụng.

  

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek