Thứ Ba, 01/10/2024 02:20 SA
5 giải pháp phát triển công nghiệp Phú Yên đến năm 2010
Thứ Hai, 14/08/2006 07:13 SA

Đến năm 2010, ngành công nghiệp phải đạt tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp- xây dựng bình quân hàng năm tăng 19%; Tỉ trọng GDP công nghiệp- xây dựng chiếm 41% trong cơ cấu GDP của tỉnh, trong đó tỷ trọng GDP công nghiệp trong GDP toàn tỉnh chiếm trên 30%; Giải quyết lao động 40.000- 45.000 người; Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ sản phẩm công nghiệp đạt trên 100 triệu USD.

 

060814-bac-si.jpg

Xây dựng thương hiệu mạnh, áp dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế để tăng sức cạnh tranh là hướng đi cần thiết của các DN sản xuất công nghiệp thời hội nhập. Trong ảnh: Sản phẩm tân dược của Công ty Dược và Vật tư Y tế Phú Yên có sức cạnh tranh tốt ở thị trường trong nước -  Ảnh: N.T

 

Trong 5 năm qua, cơ cấu ngành công nghiệp Phú Yên có sự chuyển biến theo đúng định hướng. Đó là công nghiệp chế biến chiếm 91,49%, công nghiệp khai thác mỏ chiếm 2,3%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước chiếm 6,21%. Cơ cấu thành phần kinh tế có sự chuyển biến theo hướng đa dạng hóa các hình thức sở hữu: tỉ trọng kinh tế nhà nước giảm còn 34,48%, kinh tế dân doanh tăng nhanh chiếm 48,87%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 16,65%. Kết quả đạt được đã tạo động lực cho ngành tiếp tục chuyển dịch cơ cấu và phát triển theo hướng hiện đại hóa cho giai đoạn 2006- 2010.

 

Tuy nhiên giai đoạn này, ngành công nghiệp phải đối mặt với những thách thức to lớn. Hội nhập kinh tế quốc tế vừa tạo ra cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác phát triển, nhưng cũng đặt ngành công nghiệp vào môi trường cạnh tranh quyết liệt hơn. Khó khăn của công nghiệp Phú Yên là nội lực của ngành còn nhiều hạn chế cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu. Đặc biệt là hệ số đầu tư ICOR cao (đầu tư chưa hiệu quả, tăng GDP công nghiệp chủ yếu nhờ tăng vốn đầu tư). Trong khi đó Nghị quyết 39- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 nêu rõ: Phải huy động được nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút vốn đầu tư phát triển (đặc biệt vốn FDI) phải phấn đấu để cùng với các tỉnh trong vùng thực hiện thành công các chỉ tiêu chiến lược của vùng đề ra là một nhiệm vụ nặng nề đối với Phú Yên.

 

Để có thể đạt được mức phát triển tương đồng với các tỉnh trong vùng, ngành công nghiệp Phú Yên đã có kế hoạch tập trung phát triển cho một số nhóm ngành chính. Đó là công  nghiệp chế biến nông- lâm- thủy sản; sản xuất bia và nước giải khát; công nghiệp may, thêu, giày dép; công nghiệp lọc hóa dầu, hóa dược, hóa chất phân bón; công nghiệp cơ khí; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất và phân phối điện. 

 

Các giải pháp chính để những nhóm ngành này phát triển cũng đã được vạch ra: Đầu tiên là tập trung hỗ trợ, phát triển những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước gồm thủy sản, nhân hạt điều, đường kết tinh, sản phẩm may công nghiệp, tinh bột sắn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ, đá ốp lát. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm, áp dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế  và các bộ tiêu chuẩn sản phẩm chuyên ngành để đảm bảo cho các sản phẩm công nghiệp của tỉnh tiếp tục giữ vững thị trường hiện có, đồng thời phát triển, mở rộng, thâm nhập sang thị trường các nước khu vực và thế giới. Thứ hai là tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó thực hiện tốt liên kết xúc tiến đầu tư giữa các địa phương trong vùng để vừa tiết kiệm chi phí đồng thời cộng hưởng thế mạnh khi quảng bá hình ảnh và tiềm năng của vùng. Tránh tình trạng kêu gọi đầu tư chồng chéo, ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư các địa phương khác và từ đó dẫn đến tình trạng triệt tiêu lẫn nhau. Đối với đầu tư trong nước kêu gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản (vì đây là ngành tỉnh có nhiều lợi thế). Đối với đầu tư nước ngoài kêu gọi đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Thứ ba là củng cố phát triển và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu nông lâm thuỷ sản gồm sắn, mía, thủy sản. Hình thành các vùng nguyên liệu mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương gắn với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp nhằm khai thác tiềm năng của các địa phương, đồng thời đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp vào khu vực nông thôn. Thứ tư là củng cố phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của nhà đầu tư. Thứ năm là phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ KHKT có khả năng nghiên cứu, nắm bắt công nghệ mới áp dụng vào sản xuất công nghiệp. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề.

 

QUỐC HƯNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek