Hàng loạt công trình xây dựng cơ bản của tỉnh, kể cả những dự án cấp bách, dự án trọng điểm bị chậm tiến độ. Điệp khúc ấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại các cuộc họp triển khai các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực xây dựng cơ bản; các cơ quan báo chí cũng thường xuyên đề cập, trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Mặc cho UBND tỉnh tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan đôn đốc, khẩn trương hoàn thành công trình nhưng xem ra chậm tiến độ đã là căn bệnh trầm kha, chưa có thuốc chữa. Trường cấp 2,3 Phan Chu Trinh (TX Sông Cầu) cùng nhiều trường học khác ở những vùng thường xuyên bị thiệt hại do thiên tai, bão lụt không kịp đưa vào sử dụng đúng vào năm học mới, hoặc tạm dừng thi công không biết đến bao giờ trong khi hàng ngàn giáo viên, học sinh phải dạy và học trong những căn phòng ọp ẹp, xuống cấp có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào, hoặc phải mượn tạm trụ sở UBND xã, HTX để có thể duy trì việc dạy và học. Những người có trách nhiệm chắc hẳn sẽ không khỏi xót xa, chạnh lòng khi chứng kiến những cảnh này.
Nguyên nhân của việc các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh bị chậm tiến độ thì có nhiều, trong đó có những nguyên nhân thuộc về chủ đầu tư như vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vốn thanh toán cho công trình, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật thi công đã được phê duyệt... nhưng lỗi chính vẫn thuộc về các nhà thầu. Hiện Phú Yên có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và một số đơn vị ngoài tỉnh tham gia thi công các dự án của tỉnh. Điều đáng nói là năng lực của nhiều doanh nghiệp không đảm bảo: nhân lực, thiết bị thi công thiếu, vốn tự có không nhiều chủ yếu nhờ vào vốn vay ngân hàng... nhưng vẫn cố kiếm cho được công trình bằng cách bỏ thầu giá thấp hay tay trong tay ngoài với một số chủ đầu tư thiếu trách nhiệm... Hậu quả là khi triển khai dự án, tiến độ cứ ì ạch do thợ không đủ, thiết bị không đáp ứng yêu cầu công trường, vốn yếu nếu được chủ đầu tư thanh toán cho những khối lượng công việc đã thực hiện thì cũng bị ngân hàng giữ lại để đảm bảo các khoản vay... Tuy nhiên, không một doanh nghiệp nào chịu nhận mình yếu năng lực, mà luôn đưa ra rất nhiều lý do nào là mưa gió bất thường, vướng giải phóng mặt bằng (trong khi có thể thi công ở nhiều chỗ không vướng), biến động giá... để biện minh cho việc chậm tiến độ.
Theo quy định pháp luật, những công trình bị chậm tiến độ mà không có lý do chính đáng thì nhà thầu sẽ bị chủ đầu tư phạt hợp đồng đối với khối lượng còn lại chưa thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng, thay thế bằng nhà thầu khác. Thế nhưng rất ít chủ đầu tư “dũng cảm” làm như vậy, thậm chí còn tìm cách “gỡ” cho nhà thầu bằng cách chấp nhận gia hạn hợp đồng đến 2, 3 lần. Trong thực tế, việc xử lý vấn đề nhà thầu chậm tiến độ thi công của các chủ đầu tư cần phải hết sức linh hoạt, có tình có lý, không đơn giản nói phạt là phạt, cắt hợp đồng là cắt. Nhưng với những công trình chậm tiến độ gần cả năm như Trường cấp 2,3 Phan Chu Trinh thì không có lý gì chủ đầu tư là Sở GD-ĐT không thực hiện việc phạt tiến độ theo quy định của pháp luật? Nhiều công trình khác nhất là các công trình do cấp huyện quản lý cũng vậy. Việc kiên quyết xử lý các nhà thầu thi công chậm tiến độ thậm chí cần thiết không cho tham gia đấu thầu thi công những công trình khác là cần thiết nhằm chấm dứt điệp khúc chậm tiến độ như hiện nay. Lẽ nào chủ đầu tư các công trình, dự án của tỉnh lại không làm được điều đó?
HOÀI TRUNG