Thứ Năm, 28/11/2024 04:27 SA
Đảm bảo nước tưới nông nghiệp, cách nào?
Thứ Hai, 30/08/2010 14:00 CH

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở NN-PTNT), đến nay các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng 43% diện tích gieo trồng, chủ yếu tưới cho lúa và một số diện tích rau màu, cây công nghiệp. Làm thế nào để đảm bảo được nguồn nước tưới cho nông nghiệp là vấn đề vừa được ngành Nông nghiệp Phú Yên đặt ra.

 

dongcam100830.jpg

Kênh mương dẫn nước thuộc hệ thống Thủy nông Đồng Cam bị xuống cấp đang được tu sửa - Ảnh: N.CHUNG

 

Nhiều diện tích cây trồng chịu cảnh “khát” nước, trong khi tỉ lệ thất thoát nước tại các công trình thủy lợi ở mức cao. Thực trạng này đã đến mức báo động, đòi hỏi ngành Nông nghiệp Phú Yên đưa ra các giải pháp nằm nâng cao năng lực tưới của công trình thủy lợi, trong điều kiện nguồn nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt. 

 

THỦY ĐIỆN “GIÀNH” NƯỚC

 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có gần 50 con sông; mật độ sông suối phân bố tương đối dày, trung bình 0,5km sông/km2. Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Phú Yên đã đầu tư các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh có 199 công trình thủy lợi, trong đó 41 hồ chứa, 77 đập dâng và 81 trạm bơm các loại. Tổng năng lực thiết kế tưới của các công trình thủy lợi này khoảng 40.627ha, tuy nhiên năng lực tưới thực tế chỉ khoảng 24.482ha; trong đó công trình nước tự chảy tưới 19.342ha, trạm bơm điện và bơm dầu tưới 5.140ha.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng lực tưới thực tế của các công trình thủy lợi thấp so với năng lực thiết kế, song một nguyên nhân được các ngành chức năng đề cập gần đây là việc nhiều thủy điện đã “chiếm nước” nơi thượng nguồn các con sông vào mùa khô, khiến hạ lưu luôn trong tình trạng “khát”. Chẳng hạn, trên sông Ba, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Phú Yên xây dựng nhiều thủy điện, thủy lợi đã làm thay đổi chế độ thủy văn hạ lưu con sông này. Đó là tình trạng thiếu nước tưới xuất hiện thường xuyên ở hạ du vào mùa khô hàng năm, kể từ khi các công trình thủy điện đi vào hoạt động. Riêng năm nay, nước ở hệ thống thủy nông Đồng Cam bị thiếu hụt nghiêm trọng, mà theo ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, ngay trong vụ đông xuân, mực nước tại đầu mối đập Đồng Cam có những ngày xuống dưới đỉnh tràn 0,3-0,5m. “Đây là mực nước thấp nhất của hệ thống trong nhiều năm qua” – ông Anh khẳng định. Do khan hiếm nguồn nước mặt, mùa khô trên các cánh đồng ở các xã An Mỹ, An Hòa (huyện Tuy An), người dân phải đào, khoan giếng lấy nước ngầm tưới lúa, rau màu. Các cánh đồng này trước đây nằm trong vùng quy hoạch tưới hệ thống Thủy nông Đồng Cam, lấy nước từ hệ thống kênh mương Phú Vang, nhưng không đủ nước tưới.

 

LÃNG PHÍ NƯỚC TƯỚI

 

Đối với các công trình thủy lợi khác, nguyên nhân dẫn đến thiếu nước tưới do hệ thống các kênh mương của các công trình thủy lợi xuống cấp, gây thất thoát nước. Kênh N1+N2 của Hồ chứa nước Phú Xuân (huyện Đồng Xuân) đã xuống cấp từ nhiều năm nay, đến nay vẫn chưa được đầu tư sửa chữa. Tại các cánh đồng Hóc Ké (xã Xuân Phước), đồng Bồ Đề, đồng Núi Một (xã Xuân Quang 3) nằm trong hệ thống tưới của Hồ chứa nước Phú Xuân có thời điểm lúa chịu “khát”, trong khi các kênh tiêu gần đó lại đầy nước và chảy ra suối một cách lãng phí.

 

cuu-lua100830.jpg

Nông dân xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) đào mương dẫn nước cứu ruộng lúa hè thu bị khô hạn nặng. - Ảnh: M.H.NAM

 

Tương tự, tại một số cánh đồng của huyện Phú Hòa, có thời điểm lúa chịu cảnh “khát” nước, thì gần đó dưới kênh tiêu lại thừa nước. Ông Lương Công Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa ý kiến: Nên lắp đặt các trạm bơm cuối các khu vực kênh tiêu để tận dụng nguồn nước thừa bơm tưới cho cánh đồng gần đó nhằm tránh tình trạng thất thoát nước, đảm bảo nguồn nước cho cây trồng.

 

ÁP DỤNG “NÔNG, LỘ, PHƠI”

 

Để ngăn chặn tình trạng khô hạn cục bộ và thất thoát nước như hiện nay, ngành Nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó giải pháp xây dựng công trình thủy lợi. Tuy nhiên giải pháp này lại khá tốn kém kinh phí, trong khi nhiều công trình thủy lợi hiện chưa phát huy hết năng lực. Do vậy, giải pháp tiết kiệm nước tưới tối ưu thông qua việc thay đổi tập quán canh tác lâu nay của nông dân bằng cách xây dựng các mô hình ứng dụng tưới tiết kiệm nước phù hợp với từng loại cây trồng, từng loại đất được ngành Nông nghiệp Phú Yên quan tâm.

 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên Nguyễn Như Thức phân tích: “Trước tình hình khan hiếm nguồn nước như hiện nay, đối với cây lúa phải đặt vấn đề làm sao sử dụng nước hiệu quả. Mô hình “nông, lộ, phơi”, tức là có những thời kỳ hạn chế cấp nước mà phải để lộ ruộng và phơi ruộng theo yêu cầu sinh trưởng của cây lúa. Đây là giải pháp được cho là hiệu quả nhất hiện nay”.

 

Mô hình “nông, lộ, phơi” là sau khi làm đất tháo cạn nước để gieo sạ, tiếp tục để khô 5-7 ngày, sau đó cho nước vào và tăng dần theo chiều cao của lúa để hạn chế cỏ dại. Đối với lúa cấy, khi cấy xong cho nước vào 3- 5 cm để lúa nhanh hồi phục. Khi lúa kết thúc đẻ nhánh thì tháo cạn nước để khống chế lúa đẻ nhánh và để bộ rễ ăn sâu hút tốt hơn các chất dinh dưỡng trong đất. Sau đó cho nước vào bình thường để lúa sinh trưởng và phát triển. Khi lúa bắt đầu chín đỏ đuôi cần rút dần nước cho đến khi lúa chín thì ruộng khô nước để dễ thu hoạch.

 

Nghiên cứu và kiểm nghiệm của các chuyên gia nông nghiệp cho thấy không phải lúc nào ruộng lúa cũng cần có nước. Nước ngấm sâu hơn so với chiều sâu của bộ rễ cây trồng dẫn đến thừa và lãng phí nước. Vì vậy nên tưới nước cho cây lúa theo mô hình. Nếu áp dụng rộng rãi mô hình “nông, lộ, phơi” thì lượng nước tiết kiệm được không phải nhỏ.

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek