Gần đây, trên thị trường Phú Yên xuất hiện nhiều sản phẩm túi da, ví da, cặp xách... do Hoàng Gia Đăng (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) sản xuất. Cơ sở thuộc da này đã và đang xâm nhập thị trường trong tỉnh, khu vực bằng nhiều sản phẩm đẹp và có chất lượng, tạo việc làm cho 30 lao động nữ trong lúc nông nhàn với thu nhập ổn định bình quân hơn hai triệu đồng/tháng.
Chị Hà Thị Liền hướng dẫn cho các công nhân tại xưởng may - Ảnh: M.THẢO
Tại hội chợ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức ở Nhà văn hóa Lao Động hồi giữa năm, quầy trưng bày của Cơ sở Thuộc da Hoàng Gia Đăng đã thu hút khách tham quan với loạt sản phẩm túi xách, ví da nhiều mẫu mã phục vụ khách hàng nữ. Mới đây, sản phẩm túi xách, ví da của Hoàng Gia Đăng lại có mặt ở Hội chợ Triển lãm khu vực miền Trung - Tây Nguyên (tổ chức tại Bình Định) và cũng mang lại kết quả tốt. Ông Huỳnh Công Điềm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Phú Yên, cho biết: “Thật bất ngờ khi những sản phẩm nhỏ nhắn, xinh xắn của Hoàng Gia Đăng bán rất chạy tại hội chợ”.
Cơ sở Hoàng Gia Đăng được thành lập năm 2007 và mở rộng vào năm 2008, nhờ nguồn vốn từ chương trình khuyến công của tỉnh. Đến nay, cơ sở sản xuất giày da này có gần 20 máy may công nghiệp chuyên dụng (may giày, túi xách, cặp da) với khoảng 30 công nhân (chủ yếu là nữ). Mỗi năm, cơ sở Hoàng Gia Đăng cung cấp cho thị trường hàng ngàn sản phẩm từ da. Chị Hà Thị Liền, chủ cơ sở Hoàng Gia Đăng, cho biết: “Ngoài thị trường trong tỉnh, các sản phẩm của cơ sở đã có mặt ở hơn 10 tỉnh thành trong nước, nhiều nhất là tại các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và được thị trường chấp nhận”.
Sản phẩm của cơ sở Hoàng Gia Đăng khá đa dạng, từ cặp học sinh, giày, dép bình dân đến túi xách, ví da cao cấp. Để thị trường chấp nhận, Hoàng Gia Đăng không ngừng cải tiến mẫu mã theo thị hiếu thời trang. Mới đây, một Việt kiều Úc ngỏ ý mang sản phẩm giới thiệu và mở cửa hàng tại Úc.
Không chỉ tạo thu nhập cho mình từ việc sản xuất kinh doanh, cơ sở Hoàng Gia Đăng còn dạy nghề miễn phí cho phụ nữ ở địa phương và các em lang thang, bán vé số. Em Võ Thị Hoa ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) đến học nghề tại cơ sở này gần một tháng nay và đã may được nhiều sản phẩm. Hoa tâm sự: “Công việc nhẹ nhàng, em có thể làm sau giờ học để có thu nhập”. Còn chị Nguyễn Thị Hà làm việc ở cơ sở này từ ngày cơ sở mới đi vào hoạt động, cho biết: Mỗi tháng thu nhập gần 2 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.
Bà Lê Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Tân Tây, cho biết: “Tính đến nay, cơ sở của chị Liền đã đào tạo nghề cho hàng trăm lượt lao động của địa phương, trong đó có những người từng phải đi làm ăn xa, bán vé số, trẻ em lang thang…, tạo điều kiện để họ có thu nhập ổn định”.
Mong muốn lớn nhất của chị Hà Thị Liền, chủ cơ sở Hoàng Gia Đăng là được mở nhà xưởng tại Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa cho lao động ở nông thôn.
MINH THẢO