Chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngày càng phát triển rộng khắp ở cả thành thị và nông thôn đã góp phần tạo việc làm mới, giảm tỉ lệ thất nghiệp, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, an sinh xã hội.
Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa hội nhập với thế giới, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp này chưa đáp ứng được những yêu cầu mới. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những yếu tố then chốt để cải thiện tính cạnh tranh cho doanh nghiệp là phải thúc đẩy nhanh, triệt để việc cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Công nhân đang làm việc tại một doanh nghiệp may ở Phú Yên - Ảnh: V.NGUYÊN |
NGUYÊN NHÂN “THIẾU”VÀ “YẾU”
Chính sách tư nhân hóa sản xuất nông nghiệp đã tạo nên chuyển biến kinh tế tích cực, góp phần cải thiện đời sống người nông dân. Từ chỗ không cung cấp đủ lương thực vào thập niên 80, sản xuất nông nghiệp đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt
Theo đánh giá khu vực kinh tế tư nhân của Ngân hàng phát triển châu Á: “Sự khống chế của các DNNN trong một số lĩnh vực nhất định rõ ràng đã ngăn cản cho sự hình thành của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đủ lớn mạnh để cạnh tranh”. Theo cuộc điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 65% doanh nghiệp (nhất là DNNVV) cho biết, sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh của mình nếu dễ dàng tiếp cận đất đai hơn. Phần lớn đất công nghiệp do các DNNN nắm giữ hoặc được ưu tiên hơn. Báo cáo kinh tế năm 2007 của Ngân hàng Thế giới chỉ ra: “Những lệch lạc nghiêm trọng trong phân bổ nguồn lực (đất đai) quý giá này không chỉ làm hạn chế khả năng tiếp cận với đất đai mà cả khả năng tiếp cận tài chính vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là những tài sản giá trị nhất các doanh nghiệp có thể thế chấp được”. Ngược lại, các DNNN dễ dàng vay vốn nhờ những quan hệ, áp lực chính trị, và cũng chính là chủ nhân của nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả, những khoản nợ to khó đòi. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, lợi thế lớn nhất của DNNN là có cơ quan chủ quản. Trong quá trình kinh doanh, DNNN thường dựa vào mối quan hệ nhiều hơn hệ thống luật pháp. Bên cạnh đó, DNNN là quy hoạch ngành. Về hình thức, quy hoạch do các bộ ban hành, nhưng nó lại được soạn thảo bởi các Tổng công ty nhà nước. “Họ đã đưa vào quy hoạch những quy định để hạn chế người khác nhằm tạo thuận lợi cho mình. Chẳng hạn bản quy hoạch phát triển ngành xi măng quy định không cho nước ngoài đầu tư vào dự án xi măng mới trước cuối năm 2008”, ông Doanh nói.
Bên cạnh đó, cung cách chủ quản hành chính theo kiểu thượng cấp - thuộc quyền đối với doanh nghiệp vẫn được duy trì. Những cụm từ “Tư thương”, “Thương lái” vẫn được dùng để chỉ những cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại không do Nhà nước lập ra và được hiểu là một loại người xấu, cơ hội trong kinh doanh, chuyên lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của bà con nông dân để đầu cơ trục lợi.
THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện phó Viện kinh tế Việt Nam, ba năm đầu gia nhập WTO là thời điểm thuận lợi nhất cho các DNNVV với nhiều thời cơ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đầu tiên, đằng sau là cả một chặng đường dài với những cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Việc tháo gỡ khó khăn và tìm ra hướng đi tốt nhất đối với các doanh nghiệp là phải tự tính toán để có những chiến lược phù hợp với thực lực của mình. Tái cấu trúc, chuyển từ ngành khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp sang ngành giá trị gia tăng cao. Tình trạng kém phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ hiện là một trong những khâu yếu của nền kinh tế Việt
Đối với khu vực nông thôn, doanh nghiệp sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn bởi cơ sở hạ tầng kém, nguồn lực ít và nhiều yếu tố không thuận lợi như điện, thông tin liên lạc… thì doanh nghiệp cần phải gắn bó mật thiết với chính sự phát triển của khu vực. Khác với các ngành công nghiệp xuất khẩu lệ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu cho đầu vào, nên lợi nhuận thu được từ xuất khẩu thấp. Ngành nông và thủy sản dựa trên việc nuôi trồng, đánh bắt với chi phí đầu tư và đầu vào thấp nên thu nhập trên giá trị sản phẩm cao. Sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào chế biến và xuất khẩu nông – thủy sản, đi đôi với việc hiện đại hóa, đa dạng hóa các hoạt động chế biến có thể giúp cải thiện chất lượng và giá trị sản phẩm.
NGUYÊN HOA - (KTNT)