Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực tự thân, đời sống của bà con đồng bào dân tộc xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) đã có sự thay đổi rõ rệt...
Lúa nước ở buôn Phú Giang, xã Phú Mỡ – Ảnh: N.CHUNG |
Trở lại Phú Mỡ, tôi thật sự bất ngờ khi thấy những con đường “khổ hành ải” ngày nào bây giờ được thay bằng đường bê tông rộng rãi. Hai bên đường là những ruộng lúa nước xanh rì đang thì con gái nhấp nhô gợn sóng, những ngôi nhà sàn vững chãi. Gặp lại Ma Lâm (buôn Phú Tiến), anh vui vẻ khoe: “Nhờ Nhà nước quan tâm đến vùng khó khăn, bây giờ đời sống của bà con đã đỡ hơn trước nhiều rồi. Nhà tôi mới mua được một chiếc xe máy đấy”.
Với hơn 90% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na, Chăm H’roi, trước đây, nhiều hộ dân ở xã Phú Mỡ do hạn chế trong cách nghĩ, cách làm, thiếu vốn sản xuất nên không có điều kiện phát triển kinh tế, vì vậy cuộc sống bà con gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2006, thay vì thụ động trông chờ vào Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Mỡ đã mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, xóa dần các tập tục lạc hậu. Trong các cuộc họp dân, bà con đã phát huy dân chủ, tham gia nhiều ý kiến xây dựng chính quyền, đoàn thể. Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Đồng Xuân, sự “trợ lực” của các cán bộ khuyến nông, bà con đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải tạo đồng ruộng trồng lúa nước hai vụ lúa cho năng suất cao... Trong sản xuất lúa nước, người dân xã Phú Mỡ rất biết ơn già làng Ma Nghĩa (buôn Phú Lợi), người đã vận động người dân các buôn bỏ đốt rừng làm rẫy, cùng nhau dồn điền đổi thửa, gom ruộng rồi chia đều cho từng hộ, cùng giúp nhau làm lúa nước. Nhờ đó bà con làm ăn ổn định, không chỉ đảm bảo lương thực tại chỗ mà còn tạo vốn tích lũy, số hộ nghèo giảm, góp phần thực hiện vượt chỉ tiêu (106%) giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005-2010 đã đề ra…
Từng bước nâng cao đời sống vật chất, Đảng bộ và chính quyền xã Phú Mỡ còn chăm lo nâng cao dân trí, văn hóa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tỉ lệ học sinh đến lớp hằng năm tăng cao, trường tiểu học xã không có học sinh bỏ học giữa chừng, 100% học sinh trong xã hoàn thành chương trình tiểu học; tỉ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt 95-99%/năm. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đảm bảo với đội ngũ y, bác sĩ đáp ứng tốt yêu cầu về điều trị ban đầu cho nhân dân và thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia. Các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, 3/5 thôn được công nhận thôn văn hóa, 60% hộ đạt gia đình văn hóa… Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ La Văn Nghĩa cho biết: “Tuy có nhiều tiến bộ, nhưng thẳng thắn mà nói, để cuộc sống của bà con khá lên và giảm nghèo một cách bền vững, Đảng bộ, chính quyền xã còn rất nhiều việc phải làm. Đó là, tiếp tục lãnh đạo giữ vững ổn định chính trị địa bàn, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương… Vấn đề quan trọng nhất là làm sao giữa Đảng và dân luôn đoàn kết trong công tác, làm ăn, bà con không ỷ lại vào hỗ trợ, cứu đói của nhà nước; biết tích lũy, tiết kiệm để dành vốn cho sản xuất và chi tiêu gia đình hợp lý”.
HUY HOÀNG