Thứ Năm, 03/10/2024 01:23 SA
Dịch vụ an sinh xã hội tại các hợp tác xã:
Cần tạo điều kiện duy trì hoạt động và phát triển
Thứ Năm, 29/07/2010 19:00 CH

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh có nhiều hợp tác xã kinh doanh các dịch vụ phục vụ an sinh xã hội như: dịch vụ tang lễ, cung cấp nước sạch,vệ sinh môi trường... đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía chính quyền, các sở, ngành nên các hợp tác xã này đều thua lỗ, thậm chí phải ngừng hoạt động, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân...

 

don-rac100729.jpg

Xã viên HTX kinh doanh điện và dịch vụ tổng hợp Phú Thọ 3 (Đông Hòa) đang thu gom rác thải. - Ảnh: X.HUY

 

GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÃ HỘI

 

Vài năm trở lại đây, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vốn, nhân lực vào các loại hình kinh doanh dịch vụ an sinh xã hội: thu gom, vận chuyển, tiêu hủy rác thải, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, dịch vụ mai táng… Khi mở ra các loại hình dịch vụ này, nhiều hợp tác xã xác định mục tiêu chính là trợ giúp và phục vụ đời sống cho xã viên nói riêng, người dân nói chung nên chưa tính đến hiệu quả về mặt kinh tế. Thực tế cho thấy, từ khi các dịch vụ này đi vào hoạt động đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhà cửa, sân vườn, đường sá trở nên khang trang sạch đẹp, môi trường được bảo vệ, chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng lên rõ rệt.

 

Lâu nay, hầu hết các dịch vụ tang lễ đều do một số cá nhân đứng ra đảm nhận. Do mục tiêu chính là thu lợi nhuận nên những người này thường đòi tiền dịch vụ rất cao. Trước thực trạng này, nhiều địa phương đã vận động các hợp tác xã tham gia loại hình dịch vụ này nhằm góp phần đưa hoạt động tang lễ vào quy củ. Hiện nay, ở Phú Yên có 7 hợp tác xã tham gia dịch vụ này. Các hợp tác xã đã đầu tư gần 120 triệu đồng để mua xe vận chuyển, đồ lễ phục… Với phương châm “nghĩa tử là nghĩa tận”, các hợp tác xã đều tính giá dịch vụ thấp hơn giá thị trường từ 5 – 10%, thậm chí những trường hợp hộ nghèo còn được hợp tác xã hỗ trợ từ 30-35% chi phí dịch vụ. Nhờ đó, trong thời gian qua, hoạt động ma chay, tang lễ được người dân địa phương ủng hộ và dần đi vào ổn định. Những năm qua, trước thực trạng nhiều hộ dân ở nông thôn thiếu nước sạch trong sinh hoạt, một số hợp tác xã như: An Ninh Tây (Tuy An), Xây dựng nông thôn (TP Tuy Hòa),Thành Đại (Đồng Xuân)… đã đầu tư hơn 50 triệu đồng xây dựng các trạm bơm nước sạch với hàng chục km đường ống dẫn nước tới hàng ngàn hộ dân.

 

Ở tỉnh ta hiện cũng có gần 10 hợp tác xã chuyên thu gom rác thải và bảo vệ môi trường. Các hợp tác xã này đã đầu tư gần 200 triệu đồng mua xe chuyên dụng, hóa chất, dụng cụ hỗ trợ… Trung bình mỗi ngày các hợp tác xã này vận chuyển và xử lý khoảng 50 tấn rác, trong đó trên 80% là rác thải sinh hoạt.

 

Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Phú Yên đánh giá: “Các hoạt động dịch vụ an sinh xã hội ở Phú Yên góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức văn hóa cũng như chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Hầu hết các hợp tác xã này có cách làm năng động, sáng tạo cần được tuyên truyền và tuyên dương để tiếp tục nhân rộng”.

 

TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN

 

Tuy nhiên, hiện các hợp tác xã kinh doanh các dịch vụ an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn do chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ các cấp chính quyền, các sở, ngành ở địa phương. Trung bình mỗi hợp tác xã khi kinh doanh các dịch vụ trên đều lỗ từ 2 – 4 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân do giá nhiên liệu, giá thuê mướn nhân công, giá hóa chất xử lý rác thải đều tăng nhưng phí thu gom hiện vẫn giữ ở mức từ 3.000-6.000 đồng/hộ/tháng. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã không có bãi chứa rác, không có điểm trung chuyển; công nhân sử dụng  thiết bị thô sơ, lạc hậu, công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập thấp, chỉ khoảng từ 300.000 – 1 triệu đồng/người/tháng; thêm vào đó hầu hết lao động không được hưởng phụ cấp độc hại, bảo hiểm xã hội và y tế nên không ít người nản chí muốn bỏ việc. Anh Nguyễn Hữu Trừ, Chủ nhiệm hợp tác xã Kinh doanh điện và dịch vụ tổng hợp Phú Thọ 3 cho biết: “Vì muốn đóng góp một chút gì cho quê hương nên dù lỗ mà vẫn phải làm và suốt mấy năm qua, chúng tôi vẫn xoay đủ mọi cách để bù lỗ. Trong thời gian tới, nếu không có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp chính quyền, các sở, ngành thì các hợp tác xã rất khó duy trì các dịch vụ này”.

 

Trong buổi gặp mặt giữa lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ban, ngành của tỉnh với chủ nhiệm các hợp tác xã, đồng chí Trần Thị Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể đã có chỉ đạo: “Về thu gom và xử lý rác thải thì đây là lĩnh vực mà nhà nước ưu tiên, đầu tư. Chính vì vậy, UBND các huyện, thành phố trên cơ sở quy hoạch để giải quyết việc thu gom, xử lý rác thải và dùng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường theo kế hoạch được giao đầu năm để xem xét hỗ trợ cho các đơn vị thu gom và xử lý rác thải bị thua lỗ. Còn đối với các dịch vụ an sinh xã hội khác, các sở, ngành có trách nhiệm phải quan tâm thực hiện theo cơ chế chính sách của nhà nước và tham mưu cho UBND tỉnh”.

 

XUÂN HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek