Thứ Năm, 03/10/2024 01:24 SA
Phát huy vai trò hợp tác xã ở vùng miền núi
Thứ Năm, 29/07/2010 15:05 CH

Trong nền kinh tế mở, bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể tự đứng ra thành lập các công ty, doanh nghiệp hoạt động độc lập miễn là có khả năng thực hiện theo đúng yêu cầu của các cơ quan hữu quan.

 

Tuy nhiên, hầu hết người dân ở các vùng nông thôn, các xã miền núi đặc biệt khó khăn đều làm kinh tế nhỏ lẻ mang tính chất hộ gia đình. Do vậy họ rất cần những đơn vị, tổ như hợp tác xã, tổ hợp tác để tham gia hoạt động kinh tế nhằm được đảm bảo về quyền và lợi ích cá nhân với tư cách là một thành viên. Do vậy, dù hiện nay, vai trò và quy mô của kinh tế tập thể mà cụ thể là các hợp tác xã không còn được như trước nhưng hợp tác xã vẫn là một đơn vị có vai trò hết sức quan trọng đối với bà con.

 

nam-rom100729.jpg

Xã viên HTX Long Hà (Đồng Xuân) đang làm nấm rơm.- Ảnh: X.HUY

 

Cả tỉnh hiện có 143 hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong khi đó chỉ có 27 hợp tác xã được thành lập trên địa bàn 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh và hầu hết đều xếp loại trung bình – yếu. Điều này ít nhiều gây thiệt thòi cho các hộ sản xuất-kinh doanh miền núi và nông thôn. Bởi khi tham gia vào các tổ chức này, người dân ít được hưởng những dịch vụ ưu đãi, như được vay vốn cũng như được trợ giá trong sản xuất-kinh doanh. Hợp tác xã được thành lập dựa trên tinh thần tự nguyện của các thành viên, lại không khắt khe về chuyên môn, kỹ thuật, năng lực, phương tiện đi lại... Do vậy, người lao động nghèo có nhiều cơ hội tham gia vào khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Nhờ đó người dân dần dần trở thành chủ nhân của ngành kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu chính đáng.

 

Một thực tế hiện nay cho thấy, trong khi người dân luôn có nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo nhưng lại không có vốn để làm ăn. Ngoài vốn vay ưu đãi của nhà nước, họ khó có thể tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng khác vì lãi suất cao. Do đó, việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã tín dụng hay tổ chức các hoạt động tín dụng nội bộ trong các hợp tác xã nông nghiệp là giải pháp phù hợp nhất. Thực tế cho thấy, thông qua các hoạt động tài chính của mình, hợp tác xã đã giúp hàng triệu xã viên nghèo có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy lùi đói nghèo và vươn lên khá giả mà không phải chịu lãi cao.

 

Để kinh tế tập thể ngày một khởi sắc, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế hợp tác, hợp tác xã – nhất là các vùng miền núi; phổ biến kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong xóa đói giảm nghèo; hình thành các hệ thống tài chính, các quỹ hỗ trợ hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã viên, gắn với tạo việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là trong vùng khó khăn; thực hiện chương trình phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho hợp tác xã nhằm nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ quản lý hợp tác xã và nâng cao kỹ năng, tay nghề cho xã viên, người lao động trong các hợp tác xã.

 

BẢO PHƯỚC (Liên minh HTX Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek