Ngày 26/6, tại TP Hội An (Quảng Nam), hơn 300 quan chức và doanh nghiệp trong, ngoài nước đã dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao - Ảnh: V.Hùng
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa theo kịp các vùng kinh tế khác về phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn đầu tư, hiện phải đối mặt với nhiều thách thức và lực cản như xuất phát điểm về kinh tế rất thấp, thị trường nhỏ hẹp trải dài, thu nhập người dân thấp, giao thông còn trở ngại, thiên tai, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, thiếu hụt lao động đã qua đào tạo...
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng cái cần của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để bứt phá là hạ tầng kỹ thuật giao thông, đường bộ, cầu, cảng... phải phát triển để nối liền không gian kinh tế. Hiện năm địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã kêu gọi đầu tư nước ngoài vào 17 dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm với mức đầu tư khoảng 15 tỉ USD.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông phân tích: Cơ sở hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển, đã kìm hãm sự tăng tốc khu vực này. Theo ông Đông, tuy có sự tăng trưởng cao về vốn đầu tư nước ngoài đăng ký nhưng vốn thực hiện chiếm tỉ lệ khá thấp, chỉ 7%. Số dự án và vốn FDI vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thu hút được còn thấp so với hai vùng kinh tế trọng điểm phía
Ông Đông cho rằng trong điều kiện nguồn vốn nhà nước còn hạn hẹp, vốn ODA cũng ngày càng khó khăn, để thu hút nguồn vốn lớn này cần có cơ chế và khuôn khổ pháp lý phù hợp. Bộ KH-ĐT đang xây dựng cơ chế thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Mạnh Hùng nhìn nhận cơ sở hạ tầng giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thiếu và yếu nhưng nhiều dự án chưa cân đối được vốn.
Vốn nhà nước bố trí hằng năm cho Bộ Giao thông - Vận tải hiện nay chủ yếu dành cân đối vốn đối ứng cho giải ngân các dự án ODA, không còn vốn để triển khai các dự án khác. Còn nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước cho nhiều dự án lớn khả năng hoàn vốn thấp. Ông Hùng kiến nghị Chính phủ tăng mức đầu tư cho ngành để có vốn triển khai một số dự án cấp bách và tạo cơ chế khuyến khích, trợ giúp để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Ông Đoàn Hồng Quang - chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - chia sẻ: Để tăng tốc độ phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thu hẹp khoảng cách các vùng khác, phải xác định đúng đắn, huy động nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng động lực có ý nghĩa quyết định. Song ông cũng băn khoăn về nguồn vốn.
Ông phân tích vốn tư nhân và FDI cần phải có lợi ích tài chính cho họ để thu hút họ đầu tư nhưng các dự án động lực lợi ích tài chính thường thấp, thu hồi vốn lâu hoặc khó nên ít hấp dẫn giới đầu tư. Chẳng hạn đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cần tới 33 năm để hoàn vốn. Vốn ngân sách, bao gồm ODA và phát hành trái phiếu, nếu để Nhà nước quản lý sẽ không hiệu quả như khu vực tư nhân. Ngoài ra sẽ làm tăng mức nợ công và thâm hụt ngân sách. Còn vốn ODA lãi suất ưu đãi nhưng giải ngân thường chậm và có những khác biệt trong mua sắm, đấu thầu.
Ông Quang cho rằng để đáp ứng nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, về lâu dài, nguồn vốn PPP sẽ là phương thức thích hợp. Vốn PPP có lợi thế là huy động được từ tư nhân và kinh nghiệm, kỹ năng quản lý và cần một hành lang pháp lý hiệu quả để chống thất thoát. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng tình: “Hiện vấn đề này Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng khuôn khổ pháp luật để thu hút vốn đầu tư”.
Theo Tuổi trẻ