Thứ Bảy, 05/10/2024 04:15 SA
“Nóng” thêm vì thời gian cúp điện tăng
Thứ Hai, 21/06/2010 11:00 SA

Công ty Điện lực Phú Yên vừa thông báo tiếp tục tăng thời gian sa thải phụ tải (cắt điện) luân phiên. Theo đó, từ ngày 21 đến 30/6, lịch cắt điện sẽ xen kẽ ngày cắt ngày không, từ 5g30 đến 21g (tăng 2 giờ), đồng thời cắt điện toàn diện vào các ngày trong tuần từ 4g đến 7g sáng. 

 

songbaha100621.jpg

Mực nước Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ dưới mực nước “chết”, nên nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng 2,3 giờ/ngày - Ảnh: T.QUỚI

 

SẢN XUẤT, KINH DOANH GẶP KHÓ

 

Từ tháng 4 đến nay, người dân Phú Yên liên tục chịu cảnh cắt điện luân phiên 3 ngày/tuần, cuộc sống thường nhật bị xáo trộn. Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài, nguồn điện thiếu hụt trầm trọng, trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng đáng kể. Những ngày nắng nóng bị cắt điện, mọi người phải tìm cách để trốn nắng theo cách riêng của mình. Lúc này những bóng cây, triền sông, bờ biển hay những nơi công cộng có máy lạnh như nhà sách, siêu thị… là những nơi trốn nắng lý tưởng. Đối với nhà có trẻ hay điểm giữ trẻ, cách duy nhất là phải mua máy phát điện, hoặc máy quạt tích điện để dự trữ; lượng bệnh nhân nhập viện cũng nhiều hơn do nóng vì thiếu điện.

 

Điện phục vụ sinh hoạt là vậy, điện cho sản xuất, kinh doanh càng trở nên bức xúc hơn. Đối với các cụm, điểm, khu công nghiệp được nằm trong danh mục ưu tiên cấp điện thì còn yên tâm sản xuất, còn với những doanh nghiệp nằm rải rác ở khu dân cư thì đành “bó gối” trong những ngày cúp điện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp sản xuất đá ốp lát huyện Đồng Xuân đã phải gọi điện cầu cứu Sở Công Thương vì cẩu đá đang di chuyển thì bị cúp điện, khiến tảng đá lơ lửng trên không mà không cách nào đưa xuống đất được. Một chủ doanh nghiệp kinh doanh khách sạn ở TP Tuy Hòa cho biết: Ngày cúp điện doanh nghiệp phải chạy máy phát điện tiêu tốn khoảng trên dưới 5 triệu đồng. Tính ra giá thành mỗi “ký” điện gần 10.000 đồng. Ông Hoàng Trọng Trọng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên khẳng định: “Tổng giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2010 giảm 2% so với kế hoạch đề ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần “đóng góp” của việc cắt điện”.

 

Cúp điện cũng đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Những nhà vườn rau, hoa đang điêu đứng vì thiếu nước, giảm sản lượng.

 

THỦY ĐIỆN CŨNG... THIẾU ĐIỆN!

 

Với tình hình nắng nóng hiện nay, dự báo EVN sẽ phải cắt điện luân phiên đến giữa tháng 7/2010. Hiện cả nước huy động được 255 triệu kWh/ngày, trong đó thủy điện 38,94 triệu kWh, nhiệt điện 216,06 kWh và các nguồn khác. Riêng Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ mỗi ngày vận hành được 2,3 giờ, sản lượng đạt 514.000 kWh/ngày; Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh mỗi ngày vận hành  9 giờ, sản lượng điện đạt 643.000kWh. Nhà máy thủy điện K’rông H’Năng chỉ mới đưa vào vận hành thử nghiệm.

 

(Nguồn: Công ty Điện lực Phú Yên)

Người dân, doanh nghiệp đã quá bức xúc vì tình trạng cúp điện kéo dài từ hơn hai tháng nay, nhưng vẫn cố gắng khắc phục và thực hiện tiết kiệm điện theo tinh thần kêu gọi của Chính phủ. Lần này, nghe thông báo thời gian cúp điện tăng thêm, ai cũng chỉ biết… thở dài. Ngay cả Giám đốc Sở Công Thương Đào Tấn Cam cũng nói: Một tuần cắt điện ba ngày, từ 5g30 đến 19g đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội địa phương rồi, nay lại tăng thời gian cắt điện, đúng là không chịu nổi”.

 

Trước thực trạng này, Sở Công Thương Phú Yên đề nghị Công ty Điện lưc Phú Yên: Nếu phải cắt điện từ 4g đến 7g sáng hàng ngày thì các ngày có lịch cắt điện phải đóng điện lại trước 18g. Sở này cũng đề nghị UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực miền Trung để tăng sản lượng điện, giảm thời gian cắt điện trên địa bàn tỉnh trong thời điểm nắng nóng như hiện nay xuống còn 1 đến 2 ngày/tuần.

 

Theo phân tích của Sở Công Thương Phú Yên, ba nhà máy thủy điện đang vận hành trên địa bàn tỉnh là Sông Ba Hạ, Vĩnh Sơn - Sông Hinh và K’rông H’năng, cung cấp khoảng 322 MW cho lưới điện quốc gia. Thế nhưng, hiện mức phân phối của Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho Phú Yên chỉ gần 1,2 triệu kWh/ngày, tương đương 0,33MW (bằng 0,103% tổng công suất). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thực tế của Phú Yên khoảng 1,55 triệu kWh/ngày, tương đương khoảng 0,43MW (bằng 0,134% tổng công suất). Điều này cho thấy EVN chưa điều phối hài hòa so với sự đóng góp của địa phương.

 

CÚP ĐIỆN LÀ BẤT KHẢ KHÁNG!

 

Làm việc với Báo Phú Yên, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên Trần Văn Khoa đưa ra hàng loạt văn bản của Tổng Công ty Điện lực miền Trung và EVN yêu cầu tiết giảm điện trong mùa khô; Văn bản gần nhất vào ngày 18/6 của Tổng Công ty Điện lực miền Trung yêu cầu Công ty Điện lực Phú Yên phải thực hiện nghiêm túc sản lượng điện đã phân phối, nếu không sẽ không loại trừ khả năng hệ thống tự động sa thải trên diện rộng mà không cần báo trước đối với các xuất tuyến trạm 110kV để đảm bảo không rã lưới. Không những vậy, Tổng Công ty Điện lực miền Trung còn yêu cầu Công ty Điện lực Phú Yên phải điều tiết để trả lại lượng điện đã vượt các tháng trước. Lý do mà đơn vị này làm quyết liệt việc vượt sản lượng là do từ tháng 4 đến nay Phú Yên luôn vượt sản lượng phân phối ở mức cao, trong khi đó tổng sản lượng điện huy động toàn quốc giảm.

 

Đến nay, sản lượng điện phân phối cho Phú Yên trong ngày chỉ đạt 1,184 đến 1,195 triệu kWh (tháng 5, sản lượng phân phối 1,2 triệu kWh). Theo tính toán số phụ tải hiện có, Công ty Điện lực Phú Yên không còn cách nào khác là phải tăng thời gian cắt điện luân phiên. Ông Trần Văn Khoa cho biết: “Việc cắt điện luân phiên là lực bất tòng tâm, mong xã hội cùng chia sẻ khó khăn ngành Điện”.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek