Thứ Bảy, 05/10/2024 10:17 SA
Báo động nợ đọng tại các hợp tác xã
Thứ Năm, 17/06/2010 07:20 SA

Hiện nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang lâm vào tình trạng thiếu vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, tình trạng nợ đọng của xã viên ở mức báo động, càng khiến nhiều hợp tác xã lâm vào cảnh khó khăn.

 

mgd100617.jpg
Máy gặt đập liên hợp của một hợp tác xã ở huyện Đông Hòa làm dịch vụ thu hoạch lúa cho xã viên – Ảnh: V.NGUYÊN

 

XÃ VIÊN CHÂY Ỳ, HỢP TÁC XÃ... LÂM KHÓ!

 

Năm 1996, khi chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã, các hợp tác xã ở Phú Yên chuyển sang hoạt động dịch vụ nông nghiệp phục vụ các hộ xã viên của mình. Thời gian dài, rất đông hộ xã viên đã không thanh toán các khoản vay cho hợp tác xã, trong đó có nhiều khoản nợ trước năm 1996, khiến số nợ ngày càng gia tăng. Điều đáng nói là các khoản nợ này chiếm đến 60% tổng số vốn kinh doanh của hợp tác xã, gây nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Tại Hợp tác xã Long Hà (huyện Đồng Xuân) số nợ gần 400 triệu đồng, kéo dài nhiều năm. Dù hợp tác xã đã triển khai nhiều biện pháp để thu hồi, nhưng đến nay cũng chỉ thu được 35% số tiền nợ. Ông Lê Xuân Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Long Hà cho biết, chỉ cần thu 70% số nợ là đã thành công rồi, bởi nhiều lần tổ đòi nợ của hợp tác xã đã đến tận ruộng của xã viên để đòi nhưng vẫn không thu được nợ. Trong khi đó, hiện có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hứa hẹn mang lại hiệu quả, hợp tác xã đành phải tạm ngưng vì… thiếu vốn.

 

Tại Hợp tác xã Đông Hòa An (huyện Phú Hòa) số nợ đọng trong xã viên có thời điểm lên trên 800 triệu đồng. Bằng nhiều hình thức khác nhau, hợp tác xã đã thu được 315 triệu đồng. Ông Hồ Quang Nam, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đông Hòa An cho biết: “Dù đã qua nhiều đời chủ nhiệm nhưng số nợ mà các xã viên nợ hợp tác xã vẫn còn ở mức cao mà không có cách nào thu hồi hết được. Do nợ khó đòi lớn nên hợp tác xã không có điều kiện để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

 

THU NỢ CÁCH NÀO?

 

Hiện tại nhiều hợp tác xã công tác thu hồi nợ đọng đang được đặt lên hàng đầu. Đến kỳ thu hoạch, các hợp tác xã đều bố trí cán bộ đến từng nhà xã viên yêu cầu ký cam kết trả nợ, thậm chí đến tận ruộng để thu nợ. Xã viên thì hứa hẹn và ký cam kết hẹn ngày trả nợ, nhưng sau đó… lại đâu vào đó. Ngoài số hợp tác xã tích cực đôn đốc thu hồi nợ, vẫn còn một số hợp tác xã buông lỏng công tác quản lý tài chính, để cán bộ chiếm dụng vốn sau khi thu nợ, khiến khó khăn càng thêm chồng chất. Không thu được nợ, không ít hợp tác xã rơi vào tình trạng trì trệ, hoạt động không hiệu quả, thậm chí làm ăn thua lỗ kéo dài và buộc phải giải thể. Một số hợp tác xã sau khi cân đối thu chi, vốn lưu động trong sổ sách lên đến hàng tỉ đồng, thế nhưng trên thực tế không còn bao nhiêu vì đã nằm hết trong… nợ của xã viên.

 

Mặc dù các sở, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết tình trạng thu hồi nợ đọng tại các hợp tác xã nhưng đến nay vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Theo ông Lương Tấn Thái, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa), điều quan trọng nhất hiện nay là các hợp tác xã cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng nợ trong xã viên để lành mạnh hóa nguồn tài chính, cần chủ động đưa ra các phương hướng và thảo luận kỹ trước đại hội xã viên. Ngoài ra, các cấp lãnh đạo cũng cần xem xét kỹ đặc điểm tình hình thực tế của từng địa phương để có biện pháp hỗ trợ giải quyết nợ đọng cho các hợp tác xã.

 

thu-no100617.jpg

Xã viên đóng tiền nợ tại HTX Vận tải đường bộ Tuy An. - Ảnh: X.HUY

 

Nhiều chủ nhiệm HTX nêu ý kiến, có thể tiến hành thu hồi nợ bằng cách xác định lại thời điểm vay. Nếu đó là nợ tồn đọng trước năm 1996 thì phải xác định rõ: Đối với các hộ vay đang làm ăn tại địa phương khác, hợp tác xã nên nhờ chính quyền xã  gửi giấy báo đến địa phương đó và nhờ họ thu hồi nợ giúp. Với những hộ xã viên nếu người đứng ra vay đã chết và không có người thừa kế nên xóa nợ, vì nợ không còn khả năng thu hồi. Đối với hộ người đứng ra vay đã chết có người thừa kế nên xóa nợ theo một tỉ lệ nhất định và thuyết phục dần người thừa kế trả nợ. Đối với hộ nghèo có mã số có thể xóa nợ một số khoản nợ hoặc tìm giải pháp giải quyết bài toán kinh tế để họ có khả năng trả nợ. Các khoản nợ tồn đọng sau năm 1996, Ban quản trị hợp tác xã cần phân loại từng hộ để có biện pháp hữu hiệu thu hồi nợ. Trước mắt cần thu hồi gấp những hộ có điều kiện kinh tế, nhưng cố tình chây ỳ bằng các hình thức khác nhau như động viên, gây sức ép và không loại trừ khả năng kiện ra tòa.

 

Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Phú Yên cho biết: Liên minh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị, chỉ đạo thu hồi nợ. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh phải dồn sức khắc phục, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có văn bản chỉ đạo thực hiện. Trước mắt, Liên minh thu thập và tổng hợp tình hình nợ tồn đọng tại một số hợp tác xã, làm việc với các đơn vị chức năng để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ tồn đọng tại các hợp tác xã”.

 

XUÂN HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek