Ngư dân Phú Yên đang phấn khởi vì trúng mùa cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư cho chuyến biển nên nhiều hộ đã không thể ra khơi.
Chuyển cá ngừ từ trên tàu xuống bến để tiêu thụ ra thị trường - Ảnh: P.NAM |
TRÚNG MÙA CÁ NGỪ
Hơn một tháng nay, ngư dân ở hai phường Phú Đông và phường 6 (TP Tuy Hòa) trúng đậm cá ngừ đại dương, giá tương đối cao, cá đạt tiêu chuẩn nên ngư dân có thu nhập khá. Trung bình một tàu đánh bắt xa bờ khi cập bến thu được 1,5 – 2,5 tấn cá. Với giá từ 100.000 – 103.000 đồng/kg cá loại 1, nhiều tàu sau 20 – 27 ngày đánh bắt, trừ các khoản chi phí lãi cả trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ tàu cá PY-91090TS ở phường Phú Đông, phấn khởi cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tàu của tôi đi được bốn chuyến. Riêng chuyến vừa rồi kéo dài 22 ngày, chi phí khoảng 110 triệu đồng, nhưng bù lại thu được hơn 2,2 tấn cá. Vì thời gian của chuyến biển được rút ngắn lại nên phẩm cấp cá đạt yêu cầu, lãi hơn 100 triệu đồng”. Ông Võ Đốc, chủ tàu cá PY-92691TS ở phường 6 cho biết, tàu của ông đánh bắt ở khu vực đảo Trường Sa, từ đầu năm đến nay đi năm chuyến, mỗi chuyến lãi từ 60 – 100 triệu đồng.
Nhiều ngư dân chuyên làm nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở Phú Yên cho biết, đây là mùa đánh bắt bội thu nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Ông Lương Công Đông, ở khu phố 6, phường Phú Đông, có 15 năm đi biển nhận định: Do đợt mưa bão cuối năm 2009 vừa qua, cá ngừ tập trung vào gần bờ hơn, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt. Năm nay chất lượng cá loại 1 đạt tỉ lệ cao vì chuyến biển rút ngắn hơn bình thường khoảng 7 – 10 ngày, công nghệ bảo quản cá tốt hơn trước, nhờ vậy giảm chi phí. Còn ông Đặng Tấn Sum, chủ một doanh nghiệp thu mua cá ngừ tại bến cá Đông Tác vẫn cho hay, hơn một tuần qua, bình quân mỗi ngày ông nhập từ 3 – 5 tấn cá, có ngày hơn 10 tấn. Giá cá loại một hiện nay 103.000 đồng/kg, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu.
Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phú Yên, từ đầu năm đến nay đội tàu đánh bắt xa bờ của Phú Yên đã khai thác khoảng 4.300 tấn cá ngừ.
CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Tuy được mùa cá ngừ, song nhiều ngư dân Phú Yên vẫn gặp khó khăn về vốn để sửa chữa, sắm ngư cụ, phí tổn… cho chuyến biển dài ngày. Một thực tế hiện nay ở Phú Yên, đa số ngư dân đang thiếu vốn nhưng chưa có tổ chức nào đứng ra đỡ đầu tín chấp cho vay. Bà con muốn vay thì phải có tài sản thế chấp, với lãi suất cao, thời gian vay ngắn, nhưng cũng chỉ vay khoảng 150 triệu đồng trở lại, vì tính theo tỉ lệ tài sản thế chấp là tàu cá. Ông Võ Đốc cho biết: “Tôi vay ngân hàng 100 triệu đồng, thời gian 3 năm với lãi suất 1,2%/tháng, nhưng phải thế chấp chiếc tàu trị giá hơn 600 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ sửa chữa tàu, còn việc sắm sửa ngư cụ và phí tổn cho mỗi chuyến biển phải vay thêm của các chủ cơ sở thu mua cá, với điều kiện là phải bán cá cho họ, mặc dù giá cả thấp hơn thị trường cũng phải chấp nhận. Việc đánh giá phẩm cấp cá hiện nay không dựa vào một cơ sở nào, các chủ thu mua cá chỉ dựa vào kinh nghiệm nên nhiều khi không chính xác. Ngoài ra, hành nghề câu cá ngừ đại dương ẩn chứa nhiều rủi ro… nếu được Nhà nước hỗ trợ giảm lãi suất, tăng vốn và thời gian vay, có đơn vị trung gian đánh giá phẩm cấp cá và có chính sách hỗ trợ khi ngư dân gặp rủi ro thì ngư dân sẽ thuận lợi hơn”.
Theo ông Huỳnh Quốc Trí, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), toàn phường có trên 10.500 người, trong đó ngư dân chiếm khoảng 1/3. Hầu hết các hộ được vay qua kênh tín chấp của các hội, đoàn thể chỉ từ 15 – 20 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ đánh bắt xa bờ đều phải vay bằng thế chấp, nguồn vốn được vay rất ít so với nhu cầu, lãi suất cao, thời gian ngắn nên chưa đáp ứng nhu cầu mong muốn của bà con. Trong khi đó hoạt động chi trả, thẩm định của bảo hiểm lại thường xuyên chậm trễ, sợ trễ chuyến biển nên bà con tự bỏ tiền ra sửa chữa, dẫn đến nhiều hộ không tham gia mua bảo hiểm nữa. Mấy năm trước đây, địa phương có hơn 230 tàu đánh bắt xa bờ, tuy nhiên, do gặp khó khăn về vốn đầu tư nên đã có khoảng 50 hộ bỏ nghề. Nếu giải quyết được các vấn đề về vốn vay, thị trường tiêu thụ và chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương thì nghề đánh bắt xa bờ mới phát triển một cách bền vững.
NGỌC CHUNG – PHƯƠNG